Kết quả nghiên cứu mới đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ (AMA) cho thấy bệnh tiểu đường có xu hướng tăng lên ở những người trẻ tuổi tại các nước châu Á, khác với phương Tây nơi căn bệnh này thường xảy ra với những người lớn tuổi.
Theo nghiên cứu này, bệnh tiểu đường hiện đã trở thành một vấn đề toàn cầu với số lượng bệnh nhân dự kiến tăng từ 240 triệu người năm 2007 lên tới 380 triệu người năm 2025, trong đó có tới 60% các trường hợp mắc bệnh sẽ tập trung ở khu vực châu Á và những nước có mức thu nhập trung bình sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Số liệu của Tổ chức tiểu đường quốc tế (IDF) cho thấy Ấn Độ sẽ là nước có số lượng bệnh nhân tiểu đường cao nhất, dự kiến sẽ tăng từ 40 triệu lên tới 70 triệu người, tiếp theo là Trung Quốc từ 39 triệu lên 59 triệu người và Bangladesh từ 3,8 triệu lên 7,4 triệu người...
Ông Frank Hu, giáo sư thuộc trường Y khoa của Đại học Harvard cho rằng bệnh tiểu đường gắn liền với những biến chứng nguy hiểm như là bệnh tim, đột qụy và suy giảm chức năng thận mà chi phí để chữa trị những biến chứng này rất tốn kém.
Theo ông Frank Hu, nếu không có một chính sách mạnh mẽ của chính phủ cùng với các biện pháp phòng ngừa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt, căn bệnh đang tăng lên nhanh chóng này ở châu Á có thể sẽ "xóa sạch những thành quả kinh tế đạt được trong những thập kỷ vừa qua".
Tiểu đường là một bệnh do rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoormon insulin của tuyến tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.
Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận./.
(Theo TTXVN)