Bệnh tổ đỉa ít đe dọa tính mạng nhưng có thể làm cho bệnh nhân đau, khó chịu, bất lợi trong sinh hoạt. Bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, dễ tái phát, tiến triển nặng hơn nếu bệnh nhân vẫn còn tiếp xúc với yếu tố nguyên nhân.
Tổ đỉa ở bàn chân. Ảnh: H.V.B |
Tổ đỉa là một bệnh viêm da dạng chàm mãn tính, gặp ở cả nam và nữ, người lớn và trẻ em. Bệnh xuất hiện đặc biệt là vào mùa nắng, khí hậu nóng ẩm. Bệnh xuất hiện với tổn thương trên da có tính chất đối xứng hai bên. Về nguyên nhân đặc hiệu chưa được tìm ra. Tuy nhiên, một số yếu tố được đề cập có liên quan đến sự phát sinh bệnh, như: nhiễm vi trùng, vi nấm hay các tiếp xúc với một số hóa chất gây dị ứng từ bên ngoài trong lao động và sinh hoạt. Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Bệnh được biểu hiện bởi những tổn thương là những mụn nước chứa dịch trong, nằm sâu trong lớp bì (da), ngứa. Các mụn nước này ít khi tự vỡ. Các tổn thương xuất hiện trên da lòng bàn tay, bàn chân, mặt bên các ngón nhưng không vượt quá cổ tay hay cổ chân. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng để nhận ra bệnh tổ đỉa.
Một số trường hợp do không được chăm sóc chu đáo hay sử dụng một số thuốc bôi không đúng, nhất là các cây cỏ không hợp vệ sinh... có thể làm cho tình trạng bội nhiễm xảy ra. Khi đó, các mụn nước chứa dịch trong trở thành các mụn mủ, trên vùng da phù nề, rỉ dịch và có thể xuất hiện các hạch viêm vùng lân cận.
Chính vì sự xuất hiện các tổn thương trên da có liên quan đến các yếu tố gây phát sinh bệnh (dị ứng, nhiễm trùng, nhiễm nấm) nên việc sử dụng kháng sinh, kháng nấm, kháng dị ứng là những vấn đề cần quan tâm trong điều trị. Việc điều trị, sử dụng thuốc cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn, theo dõi của thầy thuốc. Các tổn thương tổ đỉa xuất hiện chọn lọc tại các vùng da bàn tay, bàn chân và các ngón là những vùng da tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với các yếu tố bên ngoài nên bệnh rất dễ tái phát. Vì vậy, sử dụng thuốc bôi phù hợp với từng giai đoạn diễn tiến của bệnh, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ là hết sức cần thiết. Bệnh nhân nên hạn chế chích vỡ các mụn nước, tự ý mua thuốc bôi hay đắp lá cây... nhằm phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng, xảy ra tình trạng kích ứng có thể làm cho bệnh trở nên phức tạp.
(Theo B.Tâm/CanTho)