Hội chứng này thường gặp ở lứa tuổi trung niên, có thể cả ở lứa tuổi thanh niên, nhất là với những người làm việc công sở, ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài. Những thương tổn mà hội chứng này gây ra có thể gây tàn phế nếu không được điều trị sớm, BS Lê Vinh (BS Chuyên khoa II – Khoa Vật lý phục hồi chức năng – BV Hồng Ngọc) khuyến cáo.
Siêu âm kết hợp xung, giảm đau và giảm co cứng cơ trong hội chứng cổ - vai - tay
Theo Gross - tác giả tập sách về phác đồ điều trị vật lý trị liệu, triệu chứng cổ - vai - tay thường gặp được chia thành 4 nhóm và mỗi nhóm đều có những cách điều trị khác nhau:
Nhóm 1: Đau và co cứng cơ trong khu vực cạnh cột sống cổ, đau vai và cánh tay.
Nhóm 2: Hội chứng thuộc rễ vận động và cảm giác trong khu vực đang rối thần kinh cổ và thần kinh cánh tay.
Nhóm 3: Hội chứng vận mạch do tác động của hệ thống thần kinh giao cảm cổ.
Nhóm 4: Hội chứng chèn ép tủy cổ, rễ và trục thần kinh.
Bác sĩ Lê Vinh cho biết, khi bị hội chứng cổ - vai - tay người bệnh cảm thấy đau vùng vai gáy lan xuống cánh tay. Triệu chứng cũng thể hiện rõ khi thời tiết thay đổi nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy bị đau nhiều hơn.
Đối với nhóm 1, thường dùng cách kích thích để giảm đau, có thể dùng siêu âm, cũng có thể tăng cường tuần hoàn tại chỗ làm mềm cơ. Hoặc đắp nóng, đắp bùn, dùng phương pháp điện phân dẫn thuốc, sóng ngắn, vi sóng và xoa bóp. Sau chương trình điều trị cần để bệnh nhân nghỉ ngơi trong tư thế thư giãn.
Với nhóm 2, mục đích làm giảm đau, thường áp dụng phương pháp kéo dãn cột sống cổ bằng máy hoặc bằng tay. Luôn giữ cột sống cổ ở tư thế trung gian. Còn có thể điều trị giảm đau bằng cách kích thích điện. Ngoài ra có thể dùng thêm sóng ngắn hoặc siêu âm.
Nhóm 3, chính là hội chứng Barree - Lieou, đó là tình trạng bại cánh tay về đêm, bị đau là do cứng cơ. Trường hợp này không nên dùng xoa nắn hoặc đắp nóng. Làm ổn định hệ thống thần kinh thực vật bằng liệu pháp tâm lý và thủy trị liệu. Có thể kích thích (điều trị) tại chỗ, tức là kích thích điện giảm đau, giao thoa và phong bế hạch sao (là hạch vùng tam giác cổ phía trên xương đòn).
Nhóm 4, đây là vấn đề thương tổn thực thể, thường gặp trong thoái hóa cột sống cổ biến dạng. Trường hợp nữa là do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc hội chứng cơ bậc thang trước và hội chứng xương đòn. Do vậy, về mặt điều trị chủ yếu là điều trị ngoại khoa, còn điều trị vật lý chỉ ở những giai đoạn sớm, chưa có biến chứng.
Bác sĩ Lê Vinh khuyến cáo, để tránh những thương tổn do hội chứng cổ - vai - tay gây ra, người bệnh nên tìm gặp thầy thuốc sớm để điều trị khi có triệu chứng đau ở ba điểm đó.
Phòng tránh:
* Hội chứng cổ vai gáy là một chứng bệnh rất hay gặp, do rất nhiều nguyên nhân gây nên như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương hoặc do các nguyến nhân cơ học như tư thế ngồi, lao động v.v... * Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh phải được thăm khám, tìm các yếu tố liên quan gợi ý, quan sát tư thế cổ, đầu, vận động cột sống cổ và các triệu chứng thần kinh khác nữa. * Các XN hỗ trợ chẩn đoán như: chụp X-quang, CT, MRI cột sống cổ, đo điện não. |
- Đặt cột sống cổ ở tư thế trung gian, nghĩa là mắt nhìn theo đường chân trời (thẳng ngang), làm sao để cho tai, vai, khớp háng trên một đường thẳng.
- Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem vô tuyến, sẽ làm sai tư thế của đốt sống cổ.
- Không bẻ cổ kêu răng rắc: Nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu răng rắc và tin rằng làm như thế sẽ hết mỏi, nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ, hoặc vặn sẽ tạo thêm bệnh, tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài.
- Chọn môn thể thao bơi sải.
- Tránh hội chứng lắc, giật đột ngột cột sống cổ khi lái ô tô.
- Tránh sai tư thế làm việc hoặc ngồi lâu khi làm việc, đọc sách.
Dưới đây là những động tác đơn giản mà bác sĩ Vinh hướng dẫn, có thể tập tại chỗ hàng ngày, để giúp cơ hoạt động và giảm đau:
Động tác 1: Đứng thẳng, nhìn về phía trước, đưa tay sang ngang bám vào ghế hoặc điểm tựa có chiều cao ngang bằng với cánh tay, sau đó xoay căng mình, dướn về phía trước hết sức, rồi từ từ thả lỏng về vị trí ngang ban đầu, cứ tiếp tục làm như vậy.
Động tác 2: Giơ thẳng một bên cánh tay lên phía trên (bên bị đau), căng cánh tay, úp mặt vào tường, sau đó xoay dần ra phía ngoài sao cho cơ thể vuông góc hình chữ L với tường, rồi lại thả lỏng cơ thể về vị trí cũ.
Động tác 3: Úp mặt vào tường, hai tay bám vào tường làm biện pháp chống đẩy.
Mỗi động tác làm khoảng 50 lần
Một số phương dự phòng và điều trị chính như sau: * Không cúi gập cổ quá lâu, không nằm gối quá cao. * Tập thể dục giữa giờ, áp dụng các động tác trong bài tập vận động cột sống cổ. * Điều trị: tốt nhất phải tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Một số biện pháp bao gồm: dùng thuốc giảm đau, phong bế thần kinh, thuốc giãn cơ và các vitamin nhóm B hàng ngày, lý liệu, kẽo dãn cột sống cổ… Bạn nên điều trị theo đúng hướng dẫn và đủ thời gian, đồng thời áp dụng các biện phòng ngừa. |
(Theo Triều Dương // Báo Doanh nhân)