Mùa này, các phòng khám nhi xếp hàng dài, cổ bé nào cũng đeo một khăn sữa trông rất tội nghiệp. Ai cũng đi bác sĩ, nhưng thực ra, thứ thuốc hay nhất chống cảm lạnh là... cháo gà chứ không phải kháng sinh.
1. Kháng sinh giúp trẻ khỏi bị cảm?
Thực ra, bệnh cảm do vi rút gây ra, do đó không thể chữa bằng kháng sinh. Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn mà thôi.
2. Chảy mũi xanh nghĩa là bé bị xoang?
Thật ra bị cảm lạnh thường chảy nước mũi vàng hoặc xanh.
3. Không nên ăn nhiều khi bị cảm?
Thực ra, ăn uống đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bé đỡ bị nhiễm bệnh. Đừng quá lo lắng nếu như bé ăn không ngon trong 1-2 ngày, nhưng phải đảm bảo bé uống nước đầy đủ để bù lại lượng nước thất thoát do bé sốt và chảy nước mũi.
4. Phải chặn cơn ho?
Thực ra, ho là cơ chế để bảo vệ cơ thể. Ho giúp làm sạch đàm nhớt cho bộ máy hô hấp. Không nên cho bé uống thuốc giảm ho trừ phi có chỉ định của bác sĩ.
5. Thảo mộc, vitamin và chất khoáng có thể phòng bệnh?
Thực ra, các nghiên cứu đã kiểm nghiệm nghiêm túc với vitamin C, dược thảo echinacea (loài cây vẫn được xem là giúp tăng sức đề kháng) và kẽm đã cho kết quả rất đáng thất vọng.
Một nghiên cứu mới đây còn cho thấy một số trẻ em uống bổ sung kẽm đã bị một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy và rát họng.
Vài cảnh báo về thuốc
Không phải thuốc ho, thuốc cảm nào cũng an toàn với trẻ. Có loại khiến trẻ dị ứng, có loại lại làm trẻ bồn chồn, cáu kỉnh. Cả hai chất pseudoephedrine (tác dụng thông mũi) và dextromethrorphan (giảm ho) đều có thể làm rối loạn nhịp tim và gây bồn chồn.
Một vài nghiên cứu còn cho biết các loại thuốc này thậm chí không làm giảm bớt các triệu chứng ở trẻ dưới năm tuổi. Lời khuyên tốt nhất là tránh dùng các chất này cho các bé dưới một tuổi. Với trẻ lớn hơn phải hỏi ý kiến bác sỹ.
4 cách giúp phục hồi
1. Acetaminophen và ibuprofen là các thứ tốt nhất để giảm sốt và giảm đau cho bé.
2. Dù chẳng phải là thần dược nhưng cháo gà có chứa các chất kháng viêm nên có thể làm giảm các triệu chứng cảm. Chưa kể món này còn giúp bé tránh mất nước, lại dễ tiêu hóa và ngon miệng nên cũng dễ dụ bé ăn.
3. Trước khi cho bé đi ngủ, hãy dùng xy-lanh hút sạch mũi cho bé rồi nhỏ vào mỗi bên lỗ mũi một giọt dung dịch muối.
4. Nếu không khí quá khô hãy đặt máy làm ẩm không khí ở gần giường bé để giữ cho mũi không bị khô. Cần lau chùi thường xuyên máy làm ẩm để không bị đóng bụi làm chỗ lưu trú cho vi khuẩn.
(Theo Lửa Ấm)