Hỏi: Tôi bị cao huyết áp, cao mỡ máu, bác sĩ dặn kiêng ăn chất béo. Tôi không dám dùng thức ăn có tý gì dầu mỡ, nhưng có người nói kiêng hoàn toàn cũng không tốt. Xin bác sĩ giải thích rõ hơn. (Nguyễn Thị Hồng, xã An Chấn, huyện Tuy An) Trả lời: Khi bị mỡ cao trong máu nên theo một chế độ ăn uống “thanh bạch”: nhiều rau quả tươi, ít dầu mỡ, bớt ăn ngọt, bớt năng lượng, ăn nhiều các món chế biến theo lối kho nấu, luộc thay vì chiên rán; giảm ăn vặt hoặc chỉ ăn thêm bằng trái cây. Về chất béo, tính chung phần mỡ có sẵn trong thịt, cá, phần dầu mỡ dùng chế biến món ăn và phần chất béo thêm vào không quá 1g chất béo/ 1kg thể trọng, tức khoảng 40-50g đối với 1 người 50kg (tương đương 3 muỗng canh dầu mỡ mỗi ngày); và cũng không phải kiêng tuyệt đối, nghĩa là không dưới 0,5g/1kg thể trọng. Chất béo dùng chiên rán thì dùng mỡ hay dầu dừa; dùng thêm vào thì dùng dầu phụng, dầu mè, dầu hướng dương, dầu đậu nành. Tốt nhất là dùng các sản phẩm từ đậu phụng, đậu nành, mè, thay vì dầu của chúng vì trong các hạt đậu đó có sẵn chất hướng mỡ như lecithin, giúp chất béo được chuyển hoá tốt trong cơ thể. Chất béo có 2 loại, ăn vào phải cân bằng theo tỷ lệ 50% chất béo giàu acid béo bão hòa (mỡ heo, bò, dầu dừa, dầu cọ, margarin) và 50% chất béo giàu acid béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phụng, dầu hướng dương, dầu cá, mỡ gia cầm). Chất béo chưa bão hòa có 3 acid béo thiết yếu: acid linoleic (omega-6), acid linolenic (omega-3)và arachidonic, có tác dụng bảo vệ thành mạch và nhiều tác dụng thiết yếu khác đối với tế bào cơ thể. Mỗi ngày ăn vài chục gram đậu nành, đậu phụng nấu hoặc làm sữa sẽ đảm bảo tốt cho thành mạch. Các chất béo chưa bão hòa, nếu dùng chiên rán ở nhiệt độ cao cũng trở thành bão hòa. Chất béo bão hòa vào cơ thể chỉ có tác dụng cung cấp năng lượng và nếu ăn dư sẽ làm tăng mỡ máu và là nguy cơ dẫn tới xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch não. Ngoài ra đối với người bệnh tim mạch, huyết áp cần chú ý cung cấp các yếu tố đặc biệt cần cho bảo vệ thành mạch: Vitamin E có nhiều trong rau lá, giá đậu, dầu thực vật; tiền vitamin A có nhiều trong rau qủa có màu đậm: rau ngót, rau dền, bí đỏ, cà rốt,…; vitamin C có nhiều trong rau quả tươi. Selenium, (chất khoáng vi lượng) có nhiều trong củ qủa, ngũ cốc, gạo lức, nấm, men bia (không phải bia) Ngoài ra cần tránh ăn mặn quá; dùng nhiều thức ăn giàu can xi như sữa không béo, yaourt, sò, ốc, cá nhỏ ăn cả xương. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)