Là khoáng chất thiết yếu cho nhiều chức năng của cơ thể, kẽm hiện diện dồi dào ở các loài giáp xác (tôm, cua, sò, ốc...) cũng như trong nhiều loài thực phẩm như gà, đậu, hạt quả khô. Thế nhưng theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới đang bị thiếu kẽm. Các chuyên gia y tế cho rằng phần đông chúng ta chỉ hấp thu một nửa mức khuyến cáo: 15 mg kẽm/ngày. “Thiếu kẽm liên quan tới rất nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy giảm miễn dịch, chức năng sinh sản và thậm chí có thể “khuyến khích” sự phát triển của bệnh tim”, giáo sư Jon Beatle ở Đại học Aberdeen (Anh) cho biết.
Các nghiên cứu của Đại học Wayne (Mỹ) chỉ ra rằng kẽm cần thiết cho sự phát triển cũng như chức năng bình thường của tế bào miễn dịch. Khoáng chất này cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và phân chia tế bào. Ngoài ra, kẽm cũng có lợi cho cơ bắp. Phụ nữ mang thai và trẻ em cần bổ sung đủ kẽm. Trẻ đang phát triển bị thiếu kẽm không những chậm lớn mà còn có hệ miễn dịch yếu, trí não kém phát triển, da khô thiếu sức sống.
Kẽm còn có đặc tính kháng ôxy hóa, ngăn ngừa sự tổn hại cho màng tế bào và các mô, đồng thời giúp phục hồi ADN nên góp phần làm chậm quá trình lão hóa.
Chỉ cần ăn 1 con hàu hoặc 200 gam thịt bò là đủ đáp ứng nhu cầu kẽm hằng ngày của cơ thể. Miếng gà 250 gam chứa 7,5 mg kẽm trong khi 100 quả hạt khô cung cấp 2 mg kẽm. Hải sản và thịt động vật chứa nhiều kẽm nhất vì thế người ăn chay có nguy cơ thiếu kẽm cao nhất. Người kiêng thịt cá cũng nên lưu ý ngũ cốc có chứa hóa chất phytate hạn chế cơ thể hấp thu kẽm. Để bổ sung kẽm nên ăn nhiều hạt quả khô, và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, bổ sung chất sắt cũng ngăn cản quá trình hấp thu kẽm của cơ thể.
(Theo DIỆP MAI (Theo Daily Mail) // Cần Thơ Online)