Gần đây, Sở khoa học & công nghiệp Lâm Đồng cho biết, các mẫu cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc mà đơn vị này vừa kiểm tra đều có hàm lượng chì cao gấp hàng nghìn lần so với quy định cho phép. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng vừa công bố rau muống, thịt lợn, gạo và một số thực phẩm khác cũng có hàm lượng chì vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.
Chì rất độc hại
Một ca điều trị ngộ độc chì tại Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Chì là một kim loại mềm màu xám, tạo nhiều hợp chất có màu sắc khác nhau (như muối chì cromat có màu vàng rất đẹp) nên thường được dùng trong pha sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm... Từ lâu trong ngành Dược đã xảy ra tai biến ngộ độc chì do bào chế dịch truyền natri clorid đẳng trương (thường gọi là nước biển dùng truyền dịch trong bệnh viện) đựng trong chai thủy tinh có pha chì.
Trong công tác kiểm nghiệm dược phẩm có việc bắt buộc là thuốc đưa ra sử dụng phải tuyệt đối không được chứa kim loại nặng (chì và thủy ngân là điển hình). Cũng đã xảy ra ngộ độc do trẻ em ngậm đồ chơi có pha chì. Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên có thể xảy ra do: ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì; uống nước dẫn qua đường ống pha chì; hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm acquy (ở ta đã xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc này), mạ kim loại, khai thác chì và đúc chữ in bằng chì; nhân viên tiếp xúc với xăng dầu chứa chì hữu cơ. Chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5m/lít chì hữu cơ đã có thể tử vong.
Người ta ghi nhận, lượng dư trên 200 mcg chì/ngày trong môi trường tiếp xúc gây nguy hiểm cho hoạt động sống của con người. Còn nếu lượng dư khoảng 1mg/ngày có thể gây ngộ độc chì trường diễn và nguy hiểm nhất chính là ngộ độc chì trường diễn.
Các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như: da, lông, tóc, móng. Chì gây hại lên các hệ thống men cơ bản, nhất là men hemosynthetase trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).
Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Thiếu máu có thể xem là dấu hiệu đầu tiên trong nhiễm độc chì.
Triệu chứng ngộ độc cấp chì
Khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết… Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.
Để chẩn đoán ngộ độc chì trường diễn cần chú ý lượng chì có tự nhiên trong cơ thể: mức trung bình của chì trong máu 0,06mg/100ml, trong nước tiểu 24 giờ: 0,08 mg. Nếu hàm lượng chì có trong máu hoặc nước tiểu quá cao có nghĩa đã ngộ độc chì.
Điều trị ngộ độc cấp
Rửa dạ dày bằng dung dịch natri hoặc magie sulfat. Cho uống thuốc chống độc kim loại nặng. Có thể tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid đẳng trương có chứa Ca EDTA.
Để tránh nhiễm độc chì cần phải chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập vào cơ thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân tiếp xúc với chì 6 tháng 1 lần. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chức năng cần thường xuyên kiểm tra dụng cụ đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, đồ nhựa chén bát… in hình màu mè sặc sỡ) của người dân đang lưu hành xem có đạt tiêu chuẩn, không được chứa chì quá giới hạn cho phép.
(Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức // Sức khỏe và Đời sống)