Đội mũ bảo hiểm có lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu không biết vệ sinh mũ, người đội có nguy cơ nhiễm các loại nấm gây ngứa, thậm chí mưng mủ da đầu. TS Nguyễn Hữu Sáu (BV Da liễu TƯ) đưa ra 4 lời khuyên hữu ích để tránh mắc bệnh khi đội mũ bảo hiểm.
Ảnh minh họa.
1. Có nhiều bệnh nhân đến khám có các biểu hiện rụng tóc, trên da có mủ, vẩy, ngứa... được xác định chung là nấm. Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào về việc đội mũ bảo hiểm có hại cho da đầu và tóc nên chưa thể đưa ra kết luận gì.
Tuy nhiên, nhóm đối tượng là công nhân, thường xuyên sử dụng mũ bảo hiểm thì đã có trường hợp dị ứng hoặc viêm da đầu. Đây mới là những ghi nhận mang tính đơn lẻ, chưa có tính thống kê. Dù chưa có nghiên cứu về sự nguy hiểm của việc đội mũ bảo hiểm không vệ sinh nhưng theo các bác sĩ da liễu những bệnh có thể gặp khi dùng mũ "bẩn" là viêm da đầu, hại tóc, nấm...
2. Những người phải làm việc dưới nắng nóng, lại đội mũ bảo hiểm thường xuyên dễ tiết ra bã nhờn. Mồ hôi nhiều, lại không thoát ra được là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Nấm là bệnh dễ lây từ người này sang người kia. Khi người đội mũ mắc bệnh về da như nấm, ngứa thì dễ lây sang người khác nếu dùng chung mũ.
Các biểu hiện ban đầu là da vùng đầu xuất hiện những vùng đỏ, có vẩy, ngứa. Thậm chí, có người còn mưng mủ, chảy nước. Những vết tổn thương này sẽ lan rộng nếu không điều trị đúng. Khi da đầu bị nấm chắc chắn chất lượng tóc bị ảnh hưởng. Không những thế, nếu không nhanh chóng điều trị những vết nấm sẽ lây xuống các bộ phận khác trên cơ thể.
3. Để đối phó với nắng nóng, nhiều người còn cải tiến bằng cách lót thêm vải trong mũ, hoặc xịt nước thơm để chống nấm, chống hôi. Nhưng nếu thêm vào một lớp vải mà lớp vải đó không vệ sinh thường xuyên, mũ đội đã bí nay thêm lớp vải càng bí, dễ sinh bệnh. Còn việc xịt thuốc thơm và chống nấm, đây chỉ là biện pháp nhất thời. Nếu da đầu có biểu hiện bất thường, cần phải dừng xịt thơm.
4. Cách bảo vệ tốt nhất là giữ vệ sinh. Mũ bảo hiểm thường xuyên lau chùi, giặt mũ. Vào những ngày nắng nóng, việc giặt mũ, miếng lót tiến hành thường xuyên hơn. Khi tóc còn ướt không nên đội mũ vào luôn. Nên hạn chế đội chung mũ. Nếu thấy sự khác thường trên da đầu và tóc nên đi bác sĩ khám ngay, không sử dụng thuốc bừa bãi. Những người có cơ địa dễ dị ứng hạn chế sử dụng các loại thuốc xịt cho mũ. Nếu dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Nên - Thường xuyên giặt mũ bảo hiểm. - Sử dụng lớp lót bên trong mũ để tóc không tiếp xúc trực tiếp với lớp xốp. - Giữ đầu tóc khô thoáng khi đội mũ. Khi có biểu hiện bệnh nên đi khám và điều trị sớm. Không nên - Đội mũ bảo hiểm khi đầu còn ướt . - Dùng chung mũ bảo hiểm. - Nếu bị các bệnh viêm nang lông, vẩy nến, á sừng thì đội mũ bảo hiểm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. |
(Theo Phương Dung // Gia đình&Xã hội)