Nguy cơ tàn phế luôn đeo đẳng vì căn bệnh thoái hóa xương khớp, bệnh không chữa khỏi nhưng có thể làm chậm quá trình thoái hóa bằng các phác đồ điều trị.
20% dân số mắc bệnh
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc- PGĐ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, sau khi chụp X quang có đến gần 50% lượng người đến khám mắc bệnh thoái hóa khớp, chủ yếu từ lứa tuổi sau 40. Theo bác sĩ Bắc, thoái hóa khớp xảy ra cho khoảng 20% dân số, thường nữ nhiều gấp 2 lần nam, bắt đầu sau tuổi 40 - 50.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như tuổi thọ cao, sự lão hóa các bộ phận, thể trọng, nghề nghiệp. “Trong 50% lượng người được phát hiện bệnh qua X quang có đến 75% số người bị thoái hóa khớp gối”- bác sĩ Bắc cho biết. Khoảng 30% số người trên 35 tuổi và hơn 60% người trên 65 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa nhưng chủ yếu là sự lão hóa của cơ thể. Mức độ lão hóa khác nhau tùy thuộc vào từng cá thể và điều kiện sống của cá thể đó. Thực tế thoái hóa khớp thường biểu hiện ở 3 vị trí: cột sống, khớp gối và khớp háng.
Bác sĩ Lê Anh Thư - Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi. Nguy hiểm ở chỗ khi khớp bị thoái hóa sẽ bị hư hoàn toàn và biến dạng, vẹo vào trong, gây đau đớn khi đi lại; sụn hư hoàn toàn gây tàn phế”.
Theo bác sĩ Thư, 95% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa. Bệnh thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất, chiếm 30-35% các bệnh xương khớp. Bệnh này thường đi kèm với bệnh loãng xương và ảnh hưởng đến số đông phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Ngoài gánh nặng tuổi tác, hậu quả của quá trình lao động nặng nhọc cũng gây nên căn bệnh này.
Tầm soát và điều trị
Để điều trị thoái hóa khớp người ta sử dụng phối hợp phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Các phương pháp không dùng thuốc: sử dụng các bài thể dục tại vị trí thoái hóa, điều trị bằng tay bằng xoa bóp, kéo – nắm bấm huyệt, chườm ngải cứu, ngâm nước khoáng nóng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình...
Có nhiều phác đồ điều trị áp dụng cho bệnh nhân mắc thoái hóa khớp cho từng giai đoạn của bệnh. Nên áp dụng từng bước lần lượt từ thấp đến cao dần theo phác đồ, dù bệnh đã lâu và đã được can thiệp bằng nhiều phương pháp điều trị trước, cũng không nên áp dụng nhảy vọt và tự ý thay đổi phác đồ điều trị.
Một số phương pháp được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp.
Thuốc giảm đau, chống viêm: Các thuốc giảm đau, chống viêm từ nhẹ đến nặng được sử dụng điều trị triệu chứng tạm thời khi cơn đau do thoái hóa khớp phát tác. Nên hạn chế dùng kéo dài vì những tác dụng không mong muốn của thuốc như loét dạ dày - tá tràng...; Bổ sung chất nhầy cho khớp: Những chế phẩm có cấu trúc phân tử gần giống như dịch khớp được sử dụng tiêm vào ổ khớp.
Chỉ tiêm khi có hiện tượng đau, khô khớp, khó vận động và thường tiêm vào khớp gối. Tuyệt đối không được tự ý tiêm khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa; Thuốc dinh dưỡng sụn khớp. Gần đây chất này được nhiều tác giả nghiên cứu để điều trị thoái hóa khớp do có tác dụng tăng cường tái tạo sụn, ức chế các men phá hủy sụn, giảm dần quá trình viêm đau khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp; Các thuốc bôi, xoa ngoài: Tùy theo thành phần hoạt chất trong đó có tác dụng giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, giãn cơ.
Theo dược sĩ Đoàn Minh Phúc-nguyên Trưởng khoa Dược BV 115, để phòng ngừa bệnh này theo dược sĩ Phúc cần bổ sung các loại dược phẩm có chứa Glucosamin Sulfate và Chondroitin Sulfate là hai thành phần giúp tái tạo sụn khớp, tăng sản xuất hoạt dịch, giúp bôi trơn và cải thiện hoạt động của khớp.
Hiệu quả điều trị của thuốc sẽ tốt hơn nếu được kết hợp với vật lý trị liệu và các liệu pháp vận động khác. Khi khớp bị tổn thương quá nặng, mất khả năng vận động phải thay khớp.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa khớp, người bệnh phải lưu ý kiểm soát trọng lượng cơ thể. Tuyệt đối không cho tăng cân, vì nếu tăng lên 1 kg thì khớp phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần, tránh các động tác có hại cho khớp.
(Theo Tienphong Online)