Khi bị ho, tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị, bởi vì làm như vậy chẳng những bệnh không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và nguy hiểm cho tính mạng
Ho có khi kéo dài nhiều ngày, mỗi một cơn có khi ngắn nhưng có khi rất dài làm cho người bệnh cực kỳ khó chịu và mệt mỏi.
Phân loại ho
Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi từ mùa nắng nóng sang mưa lạnh. Có rất nhiều loại ho, tùy tính chất mà người ta đặt tên:
- Ho khan: Là ho mà hầu như không có đờm, càng ho càng rát cổ họng, tức ngực và đôi khi thấy đau ở vùng ngang rốn. Ho khan thường gặp trong bệnh cúm, người nghiện thuốc lá, thuốc lào, người hít phải nhiều khói hoặc mùi hóa chất. Nhiều khi cũng gặp trong một số trường hợp bị cảm lạnh đột ngột.
- Ho có đờm (đờm nhiều hoặc ít, đờm lỏng hoặc sánh, đặc): Thường gặp trong viêm phế quản, bệnh hen, viêm long ở giai đoạn đầu của bệnh sởi, thủy đậu, trong bệnh viêm phế quản do vi khuẩn hoặc do virus.
- Ho kèm theo khó thở: Thường xuyên hoặc thở từng cơn, hay gặp trong hen phế quản, bệnh suy tim...
- Ho dai dẳng kéo dài nhiều ngày:Thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc từng đợt như ho trong bệnh hen phế quản, bệnh lao phổi, viêm phế quản mãn tính, dãn phế quản ở người nghiện thuốc lá, thuốc lào. Trong các trường hợp này thường là ho về đêm, nhất là mùa lạnh và khi bài tiết nhiều đờm
- Ho từng cơn kéo dài kèm chảy nước mắt, mũi:Thường gặp ở trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin bệnh ho gà; xuất hiện ban đêm và kéo dài làm cho các bé mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi và rất mệt mỏi do cơn ho và do cả mất ngủ kéo dài.
- Ho ra máu tươi:Hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh lao phổi, đôi khi gặp trong viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản.
- Ho dị ứng chưa xác định được nguyên nhân nhưng khi dùng thuốc chống dị ứng thì hết cơn ho.
Khi bị ho nên làm gì?
Củ gừng cũng có tác dụng chữa ho |
Khi bị ho, tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc để điều trị, bởi vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và nguy hiểm cho tính mạng. Trong kinh nghiệm điều trị của Đông y, có nhiều món ăn là bài thuốc hiệu nghiệm để điều trị, xin giới thiệu vài món tiêu biểu sau đây:
- Đường phèn 500 g, giấm để lâu 500 ml. Đường phèn cho vào nồi sau đó đổ giấm lên, đun sôi. Chờ đường phèn tan hết, để nguội, cho vào chai dùng dần. Mỗi lần uống 10 ml, mỗi ngày uống 2 lần. Dùng chữa ho khan mới phát.
- Tỏi 5 nhánh, bách bộ 15 g, sinh cam thảo 5 g. Thêm đường phèn và nước vừa đủ đem sắc thành 2 chén nước, chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng chữa ho mới phát, mũi tắc hoặc chảy nước mũi.
- Lá tía tô tươi 20 g, rửa sạch xắt vụn, gạo tẻ 50 g. Nấu cháo loãng, bỏ tía tô, đường phèn vừa đủ, ăn nóng. Sau khi ăn, lên giường đắp mền cho đổ mồ hôi. Dùng chữa giai đoạn mới ho.
- Một củ gừng, mật ong, giấy bạc bọc thức ăn. Dùng giấy bạc bọc củ gừng tươi, bỏ lên vỉ nướng. Sau khi nướng đen thì xắt nhuyễn, bỏ vào ly, cho một lượng mật hoặc đường đỏ thích hợp, pha với nước nóng, dùng khi còn nóng. Dùng cắt cơn ho, tiêu đàm.
- Đu đủ chín cây một quả, gọt bỏ vỏ. Mật vừa phải. Cho mật vào nấu để ăn dần. Dùng chữa ho không có đờm.
- Củ cải một củ, hồ tiêu 5 hạt, gừng tươi 3 lát, trần bì một miếng. Củ cải rửa sạch, thái thành miếng nhỏ sắc cùng với hai thứ kia để uống. Dùng chữa ho lạnh chảy dãi.
- Trứng gà 2 quả, đường phèn 50 g. Lấy một chén nước, cho đường phèn vào nấu tan hết, để nguội. Đập trứng gà, đánh tan rồi hấp chín, cho vài giọt nước gừng vào ăn. Dùng chữa ho khan.
(Theo Lương y Vũ Quốc Trung // Nguoilaodong Online)