Các nhà khoa học Mỹ cho biết lượng đường dùng cho thực phẩm ngày càng tăng đang đe dọa sức khỏe tim mạch của người tiêu dùng, làm giảm hàm lượng cholesterol “tốt” (HDL), gia tăng lượng mỡ triglyceride trong máu, khiến cơ thể dễ béo hơn.
Hạn chế thêm đường khi dùng trái cây ngọt. Ảnh: GlobalandMail |
Căn cứ vào các cuộc phỏng vấn và số đo của hơn 6.100 người, chương trình nghiên cứu kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Mỹ (giai đoạn 1999-2006) cho thấy mức độ sử dụng đường trong thực phẩm hiện nay đã tăng đáng kể so với những năm 1977-1978, từ 10,6% lên 15,8%. Bình quân, một người Mỹ tiêu thụ thêm 90 gam đường/ngày, tương đương 21,4 muỗng cà phê (hoặc 359 calorie). Theo Tiến sĩ Miriam B. Vos thuộc Đại học Emory, lý do làm cho thực phẩm ngày nay chứa nhiều đường hơn có liên quan đến mối lo về thực phẩm chứa nhiều chất béo. “Khi các nhà sản xuất giảm chất béo trong thực phẩm, họ thường thêm đường để làm cho món ăn ngon hơn”, Vos nói.
Nghiên cứu giúp chỉ rõ các tác động của đường đối với hàm lượng cholesterol và các lipid khác trong máu vốn được xem là tác nhân chủ chốt gây nguy cơ tai biến mạch máu não và các bệnh về tim mạch. Cụ thể, những ai mỗi ngày hấp thu trên 10% năng lượng từ đường có nguy cơ làm giảm hàm lượng HDL từ 50-300% so với những người tiếp nhận ít hơn 5%. Giáo sư dinh dưỡng Rachel K. Johnson ở Đại học Vermont cho biết nghiên cứu này ủng hộ khuyến nghị về việc sử dụng đường của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Theo đó, phụ nữ không nên sử dụng lượng đường chứa nhiều hơn 100 calorie (tương đương 6 muỗng cà phê) mỗi ngày, còn nam giới không nên dung nạp quá 150 calorie (9 muỗng cà phê). Ngoài ra, loại đường được cho là tốt nhất khi nó chứa đựng trong món ăn giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như sữa chua hoặc bữa sáng chứa ngũ cốc nguyên hạt.
(Theo Can tho online)