Tôi 29 tuổi, khi vào phòng có máy lạnh 20-30 phút là cảm thấy người khó chịu (chóng mặt, mặt tái nhợt, nhức đầu). Khi ở trong phòng máy lạnh lâu, người như muốn ói mửa. Khi ra ngoài hiện tượng đó lại hết. Hiện tượng trên xảy ra khi tôi vào phòng có máy lạnh và rộng 30m2 trở lại, còn vào phòng lớn và thoáng thì không bị. Xin hỏi đó là bệnh gì?
Khả năng thích ứng với sự thay đổi của nhiệt độ ở mỗi người đều khác nhau. Có người không chịu được nhiệt độ lạnh quá, khi đó do tác dụng của sự thay đổi nhiệt độ các mạch máu sẽ co lại gây tình trạng thiếu máu cục bộ ở một số bộ phận nhạy cảm như mạch máu não, gây đau đầu, chóng mặt hay mạch máu của mặt gây tím tái... Tình trạng này tăng lên khi bệnh nhân ở trong một không gian chật chội vì ngoài yếu tố nhiệt độ, những cảm xúc về tâm lý đi kèm cũng làm tăng thêm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Chính vì vậy để tránh tình trạng trên, không nên để nhiệt độ trong phòng xuống quá thấp, tốt nhất là vào 25-26OC, vệ sinh máy lạnh thường xuyên. Phòng làm việc phải thoáng, tránh gây cảm giác chật chội, tù túng bằng cách sắp xếp đồ vật trong phòng ngăn nắp, bỏ bớt các loại giấy tờ và đồ vật không cần thiết; phòng làm việc được thiết kế trang nhã, lịch sự, thoáng và phù hợp với phong thủy.
* Tôi đi xe bị say xe, nhất là xe mở máy lạnh và có hiện tượng như trên. Xin cho biết vài loại thuốc thông thường chống say xe hữu hiệu, vì tôi đã dùng các loại thuốc say xe ở các tiệm thuốc nhưng không tác dụng. Tôi nghe nói những người bị say xe dùng phương pháp châm cứu sau dái tai sẽ hết, có phải vậy không?
Say tàu xe là hiện tượng thường thấy ở phụ nữ trẻ và trẻ em. Nguyên nhân do rối loạn trong hệ thống tiền đình khi di chuyển với tốc độ nhanh trong một không gian chật hẹp. Hệ thống tiền đình là một hệ thống thần kinh chi phối cảm giác về vị trí trong không gian, giúp con người định vị được tư thế trong không gian và giữ được thăng bằng khi đi lại.
Khi hệ thống tiền đình bị rối loạn, người bệnh có cảm giác chóng mặt, nhất là khi thay đổi tư thế, buồn nôn và nôn. Ngoài ra có thể có một số triệu chứng rối loạn hệ thống thần kinh thực vật đi kèm như: buồn ngủ, ngáy, tim đập nhanh, vã mồ hôi...
Tình trạng say tàu xe không có phương pháp điều trị nào triệt để cả. Tuy nhiên phần lớn trường hợp sẽ tự mất đi khi trẻ em lớn lên và có hiện tượng quen dần nếu bệnh nhân đi tàu xe nhiều. Các phương pháp phòng ngừa chủ yếu được thực hiện khi đi tàu xe như: uống thuốc kháng histamine trước khi đi khoảng 30 phút, trên xe không nhìn xung quanh mà chỉ nhìn thẳng, không đọc sách báo khi đi xe. Có thể ngậm vài miếng gừng khi đi xe theo kinh nghiệm dân gian hoặc châm cứu vùng tai - nhĩ châm - nhưng cũng gặp khá nhiều phiền toái mà kết quả không phải trường hợp nào cũng thành công.
(Theo Thanh Niên)