Cây móng tay nhuộm, còn gọi là cây lá móng, lá móng tay, cây thuốc mọi. Sử dụng lá, vỏ và hạt. Trong toàn cây và lá chứa một hợp chất gọi là lawsone, có tác dụng kháng sinh rất mạnh, ngoài ra còn có mannite, tannin, chất nhầy, acid gallic.
Theo y học cổ truyền, hoạt chất của cây lá móng có thể hòa tan nhiều trong các dung dịch kiềm, tạo thành một chất có màu nên được dùng làm thuốc nhuộm móng tay chân, nhuộm tóc cho các thiếu nữ, nhất là vào dịp Tết Đoan ngọ mồng 5-5.
Tại châu Âu, cây được trồng nhiều để lấy hương liệu từ hoa dùng sản xuất nước hoa, mỹ phẩm; lá làm thuốc nhuộm tóc.
Đối với người hói đầu, lá móng mang lại tin vui vì có tác dụng trên da đầu, kích thích tóc mọc.
Cách làm như sau: lấy lá móng tươi rửa sạch, phơi trong mát thật khô rồi tán thành bột, cân 60 gam bột lá móng rồi hòa trong 250 gam dầu mù tạt, đun nóng, lọc qua vải sạch rồi đựng vào lọ kín, mỗi ngày xoa và chà xát nhẹ vào chỗ hói nhiều lần trong một tuần sẽ thấy kết quả khả quan. Phương pháp này không gây kích ứng và an toàn cho da.
Do chất màu trong cây lá móng có tính chất như thuốc nhuộm nên có thể làm dính màu vào tay chân hoặc quần áo khi sử dụng, nhưng rửa nhiều lần sẽ hết.
(DS Lê Kim Phụng // Tuổi trẻ)