Nấm linh chi tăng cường khả năng miễn dịch cho người bệnh. |
Theo Đông y, những bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư vú dùng thuốc đông y để hoạt huyết trước khi chạy phóng xạ thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Y học cổ truyền có chữa được ung thư vú?
Thực tế những phương thuốc đông y mà dân gian vẫn truyền tụng có khả năng chữa trị ung thư vú hay không? Thạc sĩ Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Y học cổ truyền (bệnh viện K Hà Nội) sẽ cho bạn câu trả lời xác đáng nhất.
Theo Thạc sĩ, các loại thuốc y học cổ truyền chỉ là các loại thuốc điều trị hỗ trợ cho các phương pháp điều trị khác để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể người bệnh chứ không thể điều trị khỏi ung thư.
Y học cổ truyền có tác dụng giảm bớt các triệu chứng đau, viêm, nâng cao sức miễn dịch, hỗ trợ giảm men gan, tăng bạch cầu để hỗ trợ điều trị các triệu chứng không mong muốn, giúp giảm bớt các triệu chứng phụ sau điều trị.
Nhiều bệnh nhân tìm mua cho bằng được xạ đen, mật rắn, đông trùng hạ thảo, linh chi, sừng tê giác... với kỳ vọng sẽ chữa khỏi ung thư, nhưng sự thật về tác dụng của chúng đến đâu?
Xạ đen
Loại thuốc này chưa được đưa vào danh mục của Bộ Y tế. Xạ đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc dùng cho nhiều loại bệnh chứ không chỉ là bệnh ung thư.
Một vị xạ đen cũng không có giá trị mà phải phối hợp với nhiều vị khác mới có tác dụng. Chưa kể xạ đen phải được trồng trên núi đá mới có tác dụng như mong muốn.
Đông trùng hạ thảo hay nấm linh chi
Có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch. Nên dùng loại nấm linh chi Hàn Quốc, không nên rửa sạch vì các bào tử nấm sẽ bị trôi hết. Nên dùng nguyên cái, đun kĩ để lấy nước uống. Không nên xay nhỏ khiến người bệnh dễ bị tắc ruột.
Mật rắn
Tuyệt đối không nên dùng mật rắn vì gây độc dẫn đến suy gan, thận và dễ khiến người bệnh tử vong. Ung thư không phải do cơ chế nhiễm độc, do đó, người bệnh hay có quan niệm "dùng độc trị độc", uống mật rắn là rất nguy hiểm.
Sừng tê giác
Sừng tê giác có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm đỡ đau cho người bệnh nên nhiều người tưởng lầm rằng dùng sừng tê giác là khỏi bệnh. Thực chất là chỉ giảm khả năng viêm chứ khối u vẫn còn đó. Một thời gian sau, bệnh sẽ bùng phát vì không được điều trị đúng.
Tinh nghệ
Tinh nghệ vàng giúp cho người bệnh nâng cao thể lực, kích thích ăn, không tích độc ở các cơ quan nội tạng, giảm triệu chứng rụng tóc. Tinh nghệ tốt cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng, đại tràng, thiểu năng gan, mật, thấp khớp, huyết áp...
Thành phần chính của tinh nghệ là hợp chất curcumin có hoạt tính sinh học độc đáo như giải độc gan, chống xơ gan cổ chướng, bảo vệ tế bào hồng cầu, làm thông mật. Curcumin còn là chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và các loại men hại gây ung thư có trong thức ăn, nước uống.
Những thực phẩm nên dùng sau khi trị liệu ung thư vú:
- Tăng cường sức đề kháng và trì hoãn bệnh tái phát: quả dâu ta, kiwi, măng tây, bí ngô, táo đỏ, hành tây, tỏi tây, gạo lức, khoai mỡ, nấm hương.
- Cải thiện tình trạng của khối u: gạo lứt, mướp, đậu đỏ, khoai môn, nho, mã đề, cá diếc, cá thu, dong biển, cá chạch, ốc.
- Tình trạng đau và đầu ngực bị thu hẹp lại: lá thì là, mứt cam, bưởi.
- Những loại thực phẩm tăng cường sức khỏe: các chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu, nước đậu nành.
- Thực phẩm bổ gan: bắp cải, cà rốt, rau cần, rau chân vịt, mã đề.
- Bổ máu, giảm nhiệt: các loại thực phẩm thuộc loại tảo biển như rong biển, rau tía, cây mù tạt./.