Ảnh: minh họa - Internet |
Hỏi: Tôi 60 tuổi, gần đây hay đau đầu, có lúc cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Đã đi khám bác sĩ ghi tăng huyết áp độ 2, kê đơn dùng thuốc hạ huyết áp và dặn ăn nhạt hơn. Nghe nói mì chính cũng là muối. Xin hỏi có đúng không vì hằng ngày gia đình tôi thường dùng bột canh để nấu thay muối trắng, trong bột canh có mì chính thì có được không? Đặng Thị Nhiệm (Thái Nguyên)
Đáp: Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần chú ý đến việc điều chỉnh hàm lượng natri đưa vào cơ thể. Phần lớn lượng natri con người hấp thụ hằng ngày chủ yếu đến từ muối ăn vì trong muối ăn natri chiếm khoảng 40%. Ở người bình thường lượng muối ăn sử dụng thích hợp là khoảng 6-8g/ngày tương ứng với lượng natri khoảng 2,4-4g/ngày.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người bị tăng huyết áp nên sử dụng 4-5g muối ăn (bột canh)/ngày. Nhiều quan niệm cho rằng mì chính có thể làm tăng hàm lượng natri hấp thụ hàng ngày, tuy nhiên thật ra mì chính chỉ chứa khoảng 1/3 lượng natri so với muối ăn. Ngoài ra, trong nấu ăn, mì chính cũng chỉ được sử dụng ở một lượng rất nhỏ so với muối. Do đó, thực tế cho thấy, trong khẩu phần ăn hàng ngày mì chính đóng góp lượng natri không đáng kể, chỉ 1/20-1/30 lượng natri mà muối ăn cung cấp.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng khi sử dụng kết hợp một lượng mì chính thích hợp, có thể làm giảm khoảng 20-30% lượng muối sử dụng mà thực phẩm vẫn ngon. Lúc này tổng lượng natri trong thực phẩm sẽ giảm so với việc chỉ sử dụng muối.
Vì vậy, đối với bệnh nhân tăng huyết áp phải hạn chế sử dụng muối (bột canh) là điều cần thiết, tuy nhiên việc sử dụng kết hợp các loại gia vị kể cả mì chính với liều lượng thích hợp sẽ không ảnh hướng đến sức khỏe. Lời khuyên: người bệnh tăng huyết áp có dùng thuốc lợi tiểu thì sẽ thiếu hụt kali, do vậy hàng ngày nên chú ý chọn các thực phẩm giàu kali như chuối tiêu, đu đủ chín, khoai tây, khoai lang, đậu đỗ để chống thiếu hụt kali.
(Theo Bác sĩ Vũ Hồng Ngọc // Sức khỏe & Đời sống)
(Theo Tienphong Online)