Cây huyết dụ thường được trồng làm cảnh. Có 2 loại cây huyết dụ. Một loại lá đỏ cả 2 mặt và một loại lá đỏ một mặt, còn mặt kia lá có màu xanh. Cả 2 loại đều được Đông y dùng làm thuốc. Theo Đông y huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới...
Cây huyết dụ. |
Lưu ý: phụ nữ trước khi sinh con và sau khi sinh mà bị sót nhau thì không được dùng thuốc có vị huyết dụ.
Trị chứng rong kinh: Lấy 20g lá huyết dụ, 10g rễ cỏ tranh, 10g đài tồn tại trên quả mướp, 10g rễ gừng. Tất cả mang thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia uống làm 2 lần trong ngày.
Trị chứng trĩ ra máu, đái ra máu, băng huyết: Lấy 20g lá huyết dụ tươi rửa sạch. Đổ 200ml nước vào sắc còn 100ml, chia uống trong ngày.
Trị chứng chảy máu cam, cháy máu dưới da: Lấy 30g lá huyết dụ tươi, 20g cỏ nhọ nồi, 20g lá trắc bá (sao cháy) sắc kỹ uống đều đến lúc khỏi.
Trị chứng kiết lỵ ra máu: Lấy 20g lá huyết dụ, 12g cỏ nhọ nồi, 20g rau má. Rửa sạch, giã nát, thêm ít nước sôi để nguội, gạn lấy nước thuốc uống. Dùng 2 - 3 ngày, nếu không giảm thì đến khám bệnh để được điều trị dứt điểm.
Trị chứng phong thấp đau nhức, bị thương ứ máu: Lấy 30g hoa, lá, rễ cây huyết dụ, 15g huyết giác. Sắc uống đến lúc có kết quả.
Trị chứng ho ra máu: Lấy 16g lá huyết dụ, 16g lá trắc bá sao đen. Đổ 400ml nước sắc còn 200ml chia uống làm 2 - 3 lần trong ngày.
(Theo BS Nguyễn Thị Thêu // Tienphong Online)