Có thể nói loãng xương là bệnh gắn liền với tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị loãng xương càng lớn, vì trong quá trình sống, calci trong xương đã bị hao mòn hoặc thiếu hụt nguồn cung cấp để bồi đắp bởi nhiều lý do khác nhau.
Rau dền, rau ngót đề phòng bệnh loãng xương. (Ảnh tư liệu) |
Các nhà chuyên môn cho rằng, cơ thể hằng ngày cần khoảng 1.000mg calci. Nguồn cung cấp chủ yếu từ thức ăn đưa vào. Với một số người thì lượng cung cấp này không có đủ trong thức ăn, nhưng với một số người khác thì lượng cung cấp này có thừa trong thức ăn, nhưng cơ thể không hấp thu được do các bệnh lý ở đường ruột. Phụ nữ độ tuổi mãn kinh, những người dùng kéo dài các thuốc thuộc nhóm Corticoide (Dexamethasol, Prednisolone…), hoặc thiếu vận động ngoài trời cũng đều dễ bị loãng xương.
Loãng xương diễn ra từ từ, thầm lặng và kéo dài trong nhiều năm, khiến cho bộ xuơng của cơ thể con người giảm cả về trọng lượng cũng như chất lượng. Tuy vậy, có thể chủ nhân hoàn toàn không hay biết, cho đến khi xảy ra một biến cố nào đó, thông thường là trượt chân té, có khi rất nhẹ nhàng nhưng cũng làm cho xương gãy. Lúc đó các bác sĩ mới kết luận gãy xương là do bị loãng xương.
Như đã nói ở trên, để phòng ngừa bệnh loãng xương, chúng ta cần phải cung cấp nguồn thức ăn giàu calci cho cơ thể (như tôm, cua, cá, nghêu, sò, ốc, hến, sữa, rau dền, rau ngót, đậu nành…), có những hoạt động ngoài trời nắng để cơ thể hấp thu vitamine D, cần thiết cho quá trình hấp thu và chuyển hóa calci. Nếu điều kiện kinh tế khá, có thể dùng thêm một số loại sữa bổ sung calci hiện đang được khuyến cáo nhiều trên thị trường (như Mama sữa non – For old, Obilac…). Nếu có các bệnh ở đường tiêu hóa, cần phải đi khám và điều trị hiệu quả.
(Theo Báo Đà Nẵng)