Tin rằng những loại sơn hào hải vị và đông dược quý hiếm có khả năng chữa bách bệnh, nhiều người đã bỏ ra không ít tiền của. Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Cứ sơn hào hải vị là tốt?
Theo BS, Ths Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khám - Tư vấn, Viện Dinh dưỡng, trước khi định thưởng thức những món được cho là sơn hào hải vị với mong muốn chữa được bệnh hay bổ sung năng lượng cho cơ thể, người dùng cần hiểu được thành phần dinh dưỡng cũng như công dụng của chúng. Bạn có thể tham khảo đặc tính của một số loại dưới đây:
Yến sào: Vị ngọt, tính bình, tác dụng vào các kinh phế và vị, dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho định suyễn; dùng trong các trường hợp chữa chứng ho hen, khái huyết, suy nhược cơ thể. Tổ yến thường được tiềm với táo tàu, hạt sen, hoài sơn, nhân sâm, đương quy, kỷ tử… làm thuốc bổ dưỡng cho người già yếu. Yến sào giàu chất khoáng, kể cả khoáng vi lượng. Thành phần chất đạm trong yến sào cũng rất cao nhưng không chứa chất béo. Món ăn này phù hợp cho người trưởng thành (đặc biệt là nữ để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt) và người có tuổi vì hàm lượng đạm cao nhưng ít chất béo và tốt cho phòng chống loãng xương. Tuy nhiên, những người mang thai dưới 3 tháng và trẻ em không nên dùng vì dễ gây dị ứng. Những người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng… cũng không nên dùng.
Vây cá mập: Sụn cá mập chứa rất nhiều các axit amin cùng với các carbohydrates (chất bột đường) tạo ra hỗn hợp Muco-polysaccharides. Sụn cá mập chứa hỗn hợp Glucosaminoglycan (GAGs) mà trong đó thành phần chính là Chondroitin và Glucosamin. Đây là những chất dinh dưỡng chính nuôi dưỡng và duy trì chức năng của sụn và khớp. Chính vì thế, sụn cá mập được coi là một loại thực phẩm chức năng có tác dụng làm giảm phần nào cơn đau trong chứng viêm khớp, chống các bệnh viêm khớp, bệnh khớp mãn tính và các bệnh khác liên quan đến xương và khớp. Sụn cá mập cũng có tác dụng chữa bệnh vảy nến, viêm ruột cục bộ, viêm ruột non và các bệnh khác. Tuy nhiên, việc sử dụng sụn vây cá mập là một hành động hủy hoại môi trường vì người ta thường giết cả một con cá mập chỉ để… cắt vây và vứt phần xác còn lại ra biển. Một số nghiên cứu cũng cho rằng, vây cá mập có thể gây hại cho sức khỏe vì nó chứa thủy ngân với hàm lượng tương đối lớn.
Nhung hươu, nai: Nhung hươu nai là sừng non của hươu đực hay nai đực. Thành phần dinh dưỡng của nhung hươu nai gồm canxi cacbonat, canxi phosphas, chất keo, protein, kích tố (testosteron, pentocrin...), acid amin thiết yếu (hơn 17 loại). Nhung hươu là loại thực phẩm có thể sử dụng cho người trưởng thành gầy yếu, thiếu máu, tuy nhiên không nên dùng cho người có bệnh lý về thận, huyết áp và trẻ nhỏ.
Gan ngỗng béo: Là món ăn đặc sản của Pháp, không thể thiếu trên các bàn tiệc Giáng sinh ở các nước châu Âu. Gan ngỗng nổi tiếng nhất được sản xuất ở vùng Périgord – Tây Nam nước Pháp. Gan ngỗng không chỉ chứa hàm lượng đường, protein, chất béo, cholesterol cao mà còn giàu các thành phần khoáng chất như sắt, đồng, kalium, phosphoric, sodium... nên được coi là loại thực phẩm bổ mắt và bổ máu. Dù gan ngỗng béo dễ hấp thu, người dùng không lo bị tăng cân, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nó cũng chỉ là một loại gan gia cầm chứa chất béo, chưa kể đến quy trình chăn nuôi bằng cách bị buộc nhồi nhét ăn uống quá mức để có bộ gan to, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng. Bên cạnh đó, hàm lượng của một số độc tố và lượng vitamin A có trong tim, gan luôn cao hơn các loại thực phẩm khác nên nếu ăn quá nhiều gan ngỗng béo sẽ dẫn đến nhiễm độc vitamin A cấp tính, không có lợi cho sức khỏe.
Ăn quá nhiều gan ngỗng béo sẽ dẫn đến nhiễm độc vitamin A cấp tính, do hàm lượng của một số độc tố và lượng vitamin A có trong tim, gan luôn cao hơn các loại thực phẩm khác. |
Bào ngư: Bào ngư giàu chất globulin (kháng thể) nên nó có tác dụng nhất định trong việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Thịt bào ngư có nhiều chất dinh dưỡng với tỷ lệ protid, lipid và các vitamin cao. Vỏ bào ngư có nhiều calci carbonat. Theo Đông y, bào ngư vị mặn, có tác dụng bình can, tiềm dương, làm sáng mắt. Những người bị viêm nhiễm, sốt dài ngày, viêm khí phế quản cấp mạn tính, lao phổi, ho gà (âm hư, nội nhiệt, phế hư...), kinh nguyệt không đều, huyết trắng, táo bón, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu có thể dùng thịt bào ngư. Khi dùng, bào ngư phải được nấu thật chín. Bào ngư khô ăn ngon hơn bào ngư tươi và sẽ càng ngon hơn nếu hầm trong lửa nhỏ. Món cháo bào ngư được coi là món ăn bồi bổ sắc đẹp công hiệu.
Nhưng Tây y lại cho rằng, cơ thể con người thường thông qua hệ thống cân bằng tự nhiên để tự điều tiết nhu cầu lượng chất globulin và albumin. Một cơ thể khỏe mạnh bình thường thì không cần thiết phải bổ sung globulin. Bào ngư có hàm lượng protein quá cao nếu ăn nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Những người bị bệnh gout hay những người bị thừa acid uric thì không nên ăn thịt bào ngư mà chỉ nên uống nước canh bào ngư hầm. Đặc biệt kiêng kỵ với những người tỳ vị hư hàn, không thuộc chứng bệnh thực nhiệt.
Hải sâm: Tên gọi dân gian là đỉa biển. Hải sâm được xem là món cao lương mỹ vị ở Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam. Không chỉ là một loại hải sản ngon miệng, hải sâm còn chứa hàm lượng protein và canxi cao, trong khi lipid rất thấp, do đó rất thích hợp cho người trưởng thành muốn đảm bảo sức khỏe tốt mà vẫn giữ được dáng người chuẩn.
Dù có lợi cho sức khỏe như vậy nhưng nếu dùng sai cách sẽ làm giảm tác dụng đi rất nhiều. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, không nên ăn hải sâm tươi sống, vì khi chưa được chế biến và nấu chín sẽ mang theo nhiều loại vi khuẩn và cả virus. Cần rửa hải sâm bằng nước sạch, ngâm nước ngập để nhạt bớt muối, sau khi hải sâm mềm ra thì bóc lớp vỏ ngoài rồi rửa sạch, tiếp theo luộc bằng nước sôi, rồi lại ngâm trong nước lạnh đến khi mềm hẳn rồi chế biến thành các món ăn
Lưu ý là do hải sâm tính ấm nên ăn xong rất dễ bị nóng, lại khó tiêu hóa, nhất là với những người sống trong vùng khí hậu hanh khô. Những người bị lỵ, viêm đại tràng cấp tính, hoạt tinh thì không nên dùng. Khi ăn hải sâm không dùng các đơn thuốc có cam thảo hay các loại quả như thạch lựu, sơn trà để tránh thành phần tanic acid trong hải sâm phát tán, gây hiện tượng ngưng kết protein làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Với thuốc càng nên thận trọng
Kho tàng dược liệu của Y học cổ truyền (YHCT) phương Đông, có nhiều dược liệu được người xưa xếp vào hạng “thượng phẩm” - dược liệu quý hiếm, đắt tiền như: sừng tê giác, mật gấu, cao hổ cốt, nhân sâm... Thế nhưng, PGS.TS. Nguyễn Nhược Kim, Trưởng khoa YHCT - Trường Đại học Y Hà Nội, vẫn đưa ra lời khuyên: thận trọng. Tuy tác dụng chữa bệnh của một số loại đã được ghi lại trong y văn và được kiểm nghiệm qua thực tế, nhưng khi sử dụng vẫn phải qua thăm khám, chẩn bệnh, kê đơn của lương y và thực ra giá trị chữa bệnh của những loại “thượng phẩm” này cũng chỉ giới hạn ở một số bệnh. Vì thế, không nên ảo tưởng rằng những vị thuốc này có khả năng “cải tử hoàn sinh” đối với các bệnh nặng, bệnh ở giai đoạn cuối... Pháp luật hiện hành cũng đã cấm mua bán một số loại “thượng phẩm” này do vi phạm các quy định về bảo tồn động thực vật hoang dã.
(Theo Báo Doanh nhân)