Thuật ngữ carotenoid dùng để chỉ một họ gồm khoảng 600 sắc tố thực vật khác nhau.
Cũng như nhiều dưỡng chất thiết yếu khác, carotenoid mang lại những lợi ích cho sức khỏe, như tăng cường khả năng đề kháng chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa tổn thương DNA (Deoxyribonucleic acid) và các chất liệu di truyền khác…
Chống ô-xy hoá tự nhiên
Nghiên cứu thành phần của các loại rau xanh và trái cây, các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe phát hiện ra chúng rất giàu carotenoid cũng như nhiều dưỡng chất quan trọng khác.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò và ích lợi của carotenoid đối với cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe đều nhận thấy rằng chế độ dinh dưỡng giàu trái cây và rau xanh có liên quan với sự giảm nguy cơ nhiều bệnh.
Hàng loạt nghiên cứu cho thấy, ăn những thực phẩm chứa nhiều carotenoid có thể giảm nguy cơ nhiều loại ung thư, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm nồng độ cholesterol máu, giảm tác hại của ánh nắng mặt trời trên da…
Vì khi chúng ta ăn carotenoid, chúng ta có được nguồn chống ô-xy hóa từ thực vật. Carotenoid lại là một chất chống ô-xy hóa mạnh.
Cơ thể chỉ có thể sống và phát triển được không chỉ với một hay hai mà là rất nhiều loại chất chống ô-xy hóa khác nhau. Và các carotenoid là một nhóm dưỡng chất chống ô-xy hóa tự nhiên lớn nhất có thể đáp ứng nhu cầu đó.
Hấp thụ cách nào?
Có 3 loại carotenoid tiêu biểu đóng vai trò quan trọng với sức khỏe con người. Beta-carotene: Beta-carotene là một loại carotenoid phổ biến nhất và được xem là tiền vitamin A.
Vì betacarotene có thể được chuyển thành vitamin A trong cơ thể, nên nó cũng có những tác dụng hữu ích tương tự như vitamin A mặc dù chậm hơn, do đó beta-carotene được biết đến với vai trò to lớn trong việc tăng cường thị lực, nhất là với những người bị chứng quáng gà.
Beta-carotene là một chất kích thích mạnh mẽ tế bào miễn dịch, có thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn và ung thư. Chúng còn phối hợp ăn ý với các chất chống oxi hóa khác như vitamin C và E để giảm các nguy cơ nhiễm trùng, làm chậm quá trình lão hóa và ngừa một số bệnh ung thư và giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.
Beta-carotene có màu cam, thường thấy trong các loại trái cây và rau quả có màu cam, màu vàng như cà rốt, bí ngô, đào, khoai lang đỏ, khoai lang vàng, bí đỏ, mơ, dưa vàng…, những loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, rau bi na, cải xanh...
Các bác sĩ dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, nếu cơ thể hấp thụ một lượng betacarotene cao từ thuốc bổ hoặc từ thực phẩm có thể làm vàng da, bạn hãy ngừng ăn các thực phẩm này trong vài ngày. Và khi dùng thuốc bổ hãy dùng đúng liều theo quy định.
Lutein:
Lutein được coi như chất bảo vệ mắt rất tốt. Đó là carotinoid tự nhiên có trong các mô mắt, đặc biệt có nhiều ở võng mạc.
Nó không được tự sản sinh ra trong cơ thể mà đi vào cơ thể qua đường ăn, uống, có tác dụng bảo vệ mắt và không làm cho các tế bào mắt già đi. Giống như kính bảo vệ mắt khỏi tia nắng mặt trời, lutein chống lại những tia sáng có hại và đồng thời liên kết những gốc tự do.
Nhờ đó, võng mạc không bị làm hỏng. Lutein cũng có tác dụng bảo vệ da khỏi tác động xấu của ánh nắng mặt trời. Lutein còn giúp ngăn cản hoặc làm giảm chứng xơ vữa động mạch là nguy cơ chính trong các bệnh lý tim mạch.
Những thực phẩm có chứa lutein là rau chân vịt, rau cải xoăn, bó xôi chứa, ớt đỏ, rau bắp cải, lòng đỏ chứng gà v.v... Nên lưu ý rằng khi nấu nóng, lutein bị phân huỷ. Cho nên, cần bổ sung lutein bằng thuốc.
Lycopene:
Lycopene được coi là những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Các cuộc thí nghiệm và kết luận về lycopene trong việc ngăn ngừa các loại ung thư được các nhóm khoa học gia cho rằng, chính lycopene có hiệu quả cao nhất trong việc ngăn ngừa và ức chế các loại bướu (lành hay dữ).
Ba nhóm khoa học gia gồm có Levy et al,(1995); Sharoni et al(1994) and Sharoni Y and LevyJ (1996) đã thí nghiệm về hiệu quả của Lycopene trong việc ngăn ngừa ung thư so với việc ngăn ngừa ung thư của alpha và beta-carotene trong các mô ung thư của con người được cấy ra để thí nghiệm và đưa ra kết quả: Lycopene ức chế các tế bào ung thư của màng nhầy lót trong tử cung (endometrial) rất hiệu quả.
Ức chế mãnh liệt và hiệu quả hơn cả alpha và beta-carotene đối với các tế bào ung thư phổi và tế bào ung thư tuyến vú. Lycopene cũng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự suy thoái tim mạch, ung thư tiền liệt tuyến, bao tử và đường ruột vì nhờ tính chất sinh học hữu hiệu của lycopene.
Lycopene cũng có khả năng ngăn ngừa da khỏi sẫm màu mà còn giúp da có được sắc hồng tự nhiên. Lycopene có trong những loại trái cây có màu đỏ như dưa hấu, dâu tây, cà chua.
Cà chua:Các nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng, cà chua có chứa nhiều lycopene, chính nó giúp ức chế không cho phát triển nhiều các loại ung thư trong cơ thể của chúng ta. Do vậy, nên ăn cà chua màu đỏ, nó rất tốt cho sức khỏe.
Dưa hấu:Dưa hấu có chứa chất dầu Lycopene và là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng như các sinh tố A, B1 (Thiamin), B6 (Pyridoxine), C, E, Magnesium và Potassium. Các sinh tố A, C và E là 3 chất chủ yếu chống sự ôxy hóa gây ra tế bào ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy trong 1 ly rưỡi nước tinh chất dưa hấu chứa từ 9 đến 13 milligrams chất Lycopene. Như vậy, trung bình dưa hấu cho lượng Lycopene nhiều hơn 40% so với cà chua.
Quả gấc:Quả gấc cho lượng Lycopene dồi dào. Dù vậy, vì không được phổ biến hay chế biến trong thức ăn của người tây phương nên gấc không có tên trong giới y khoa phương tây như cà chua và dưa hấu.
Ngoài 3 carotenoid tiêu biểu trên, còn có hàng loạt carotenoid trong thiên nhiên. Cách tốt nhất để có được chúng là sử dụng một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và những thực phẩm nguồn gốc từ thực vật.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, trong trường hợp bạn không ăn được hay ăn không đúng những thực phẩm giàu carotenoid, bạn có thể sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung, tốt nhất là các đa sinh tố và khoáng chất trong đó có carotenoid./.