Tiến sĩ, bác sĩ Tôn Chi Nhân
(Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ)
|
Một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não được châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ. Ảnh: K.LOAN |
Tai biến còn được gọi là đột quỵ. Bệnh xảy ra khá phổ biến, gây tử vong hay mất chức năng vận động cho nhiều người. Bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa trong giai đoạn hiện nay. Các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và vấn đề thừa cân, áp lực tinh thần, ít vận động, hút thuốc lá... được xem là yếu tố nguy cơ của tai biến. Bài viết của bác sĩ Tôn Chi Nhân, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ, sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về tai biến và một số biện pháp phòng tránh.
Năm 2008, Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 1.000 bệnh nhân có bệnh lý mạch máu não, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân nội trú. Các bệnh nhân này đến từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mới đây, tháng 2-2009, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho ông Nguyễn Văn Trọng, 69 tuổi, ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Đang khỏe mạnh thì đột nhiên ông Trọng thấy xây xẩm rồi ngã quỵ. Người nhà nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não. Dù được cứu chữa kịp thời nhưng ông Trọng vẫn bị liệt nửa người. Được người quen giới thiệu, gia đình đưa ông đến Bệnh viện Y học Cổ truyền TP Cần Thơ để châm cứu, tập vật lý trị liệu sau tai biến. Qua 10 ngày được chăm sóc, ông Trọng đã có thể đi lại, sinh hoạt cá nhân không còn phải nhờ đến người thân.
Tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ. Bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não ngừng đột ngột. Tai biến có 2 thể: xuất huyết não và nhồi máu não (tắc mạch máu não). Gặp thể xuất huyết não, bệnh nhân dễ tử vong nhưng nếu được cấp cứu kịp thời thì cơ hội phục hồi di chứng tốt hơn. Tắc mạch máu não, bệnh nhân không bị hôn mê nhưng tỷ lệ phục hồi chức năng vận động do di chứng rất chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến: áp lực tâm lý; cao huyết áp; xơ vữa động mạch; bệnh lý tim như hẹp, hở van tim, thường gây ra tai biến thể nhồi máu não; bệnh tiểu đường; chấn thương sọ não; u não; bệnh lý dị dạng mạch máu não... Các bệnh lý kết hợp sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra bệnh hoặc khả năng phục hồi sau tai biến rất khó. Chẳng hạn: cao huyết áp + xơ vữa động mạch = 90% nguy cơ mắc bệnh; cao huyết áp + tiểu đường gây tai biến sẽ khó phục hồi sau tai biến.
Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nam bị tai biến cao hơn nữ. Có thể, nam có nhiều yếu tố nguy cơ hơn phụ nữ như: hút thuốc, uống rượu, bia. Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ cũng cho thấy, trước đây, tai biến thường xảy ra ở bệnh nhân lứa tuổi trên 60, nhưng hiện nay tai biến đã xảy ra ở cả lứa tuổi dưới 40.
Nhiều bệnh nhân bị tai biến được cứu chữa kịp thời, điều trị, tập vật lý trị liệu sau tai biến vẫn có khả năng hồi phục. Sau khi được cấp cứu, sức khỏe ổn định, bệnh nhân sẽ được châm cứu kết hợp tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân phải được chẩn đoán xác định và giải quyết tốt nguyên nhân gây ra tai biến. Đó là cái “gốc” để bệnh mau hết và phòng tái phát.
Để phòng tránh tai biến mạch máu não, cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho cân bằng dinh dưỡng. Không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol như: mỡ, ngũ tạng và da của động vật. Giảm ăn uống quá ngọt hoặc quá mặn, chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá... Trong thực đơn hằng ngày, nên có nhiều rau củ, trái cây, trà xanh. Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn trái cây ngọt. Nên giữ trạng thái tâm lý cân bằng trong cuộc sống, tránh áp lực, căng thẳng, buồn vui quá độ. Người bị cao huyết áp phải uống thuốc đều và kiểm tra đường huyết định kỳ, không được bỏ thuốc nửa chừng.
Việc tập thể dục dưỡng sinh, vận động cơ thể để lưu thông máu huyết kết hợp với chế độ ăn uống tốt, sinh hoạt điều độ, phù hợp và sống lạc quan là giải pháp rất tốt cho sức khỏe.
( Theo S. KIM // Báo Cần Thơ)