Người lớn tuổi, người lao động nặng thường có cảm giác đau nhức xương khớp, nhất là sau một ngày làm việc vất vả. Đó có thể là những biểu hiện của thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp không phải là bệnh nguy hiểm tức thời nhưng về lâu dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nhiều người cho rằng thoái hóa khớp chỉ xảy ra đối với người già, nhưng thực tế cho thấy nhiều trường hợp trẻ tuổi vẫn bị thoái hóa khớp do các nguyên nhân: chấn thương, chế độ dinh dưỡng…
Thoái hóa khớp (Osteoarthritis, Degenerative Joint Disease) là bệnh mạn tính của khớp và cột sống, gây đau và biến dạng, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp, đĩa đệm và những thay đổi xương dưới sụn, màng hoạt dịch.
Tập thể dục dưỡng sinh là một trong những biện pháp giúp phòng bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Ảnh: LỆ THU |
Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp, chiếm khoảng 30% các bệnh lý cơ xương khớp. Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị tổn thương nhưng vị trí thường gặp nhất của thoái hóa khớp là cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối. Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác. Ở Việt Nam, đau xương khớp (chủ yếu do thoái hóa) chiếm 28,6 % số lượng người đến các cơ sở khám điều trị bệnh.
Khi bị thoái hóa khớp, bệnh nhân có triệu chứng đau ở vị trí khớp hoặc cột sống bị thoái hóa. Triệu chứng đau ít lan xa khỏi những vị trí này trừ khi có chèn ép rễ và dây thần kinh. Bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ; cơn đau cấp có thể xuất hiện và tăng khi vận động, thay đổi tư thế như: mang vác nặng, sai tư thế, khi mệt mỏi, căng thẳng, thay đổi thời tiết. Bệnh nhân thường bị đau nhiều về buổi chiều, sau một ngày lao động; về đêm, cơn đau có thể giảm sau một thời gian nghỉ ngơi. Cơn đau diễn biến thành từng đợt, dài ngắn tùy trường hợp và có thể liên tục tăng dần. Ở một số ít bệnh nhân, cơn đau còn kèm theo những biểu hiện viêm, như: nóng, đỏ...
Thoái hóa khớp làm cho bệnh nhân bị hạn chế trong vận động, nhất là các động tác của khớp và các đoạn cột sống bị thoái hóa. Bệnh nhân không làm được những động tác: xoay cổ, cúi sát đất, ngồi xổm. Một số bệnh nhân có dấu hiệu cứng và khó cử động khớp khi bắt đầu vận động vào buổi sáng hoặc sau một thời gian bất động. Bệnh thoái hóa khớp còn có thể gây biến dạng khớp mặc dù nguy cơ này không nhiều như ở các loại bệnh khớp khác. Biến dạng xảy ra trong thoái hóa khớp thường do mọc gai xương, do lệch trục hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Ngoài ra, thoái hóa khớp còn có thể có một số biểu hiện khác như: các cơ chi phối vận động của khớp tổn thương bị teo do ít vận động; tràn dịch khớp (có nước trong ổ khớp) do phản ứng, thường gặp ở khớp gối.
Thoái hóa khớp được phân làm 2 loại:
- Thoái hóa khớp nguyên phát: nguyên nhân chính là do lão hóa. Bệnh xuất hiện muộn, thường ở người 60 tuổi, xảy ra ở nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.
- Thoái hóa khớp thứ phát: phần lớn do các nguyên nhân cơ giới (các dị dạng bẩm sinh, biến dạng sau chấn thương, tăng cân quá mức...), xảy ra ở mọi lứa tuổi (thường dưới 40 tuổi), khu trú ở một vài vị trí, nặng và tiến triển nhanh.
Sự lão hóa, các yếu tố cơ giới... là những yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn và nặng thêm. Ngoài ra, di truyền, mãn kinh, bệnh đái tháo đường, bệnh gút cũng có tác động thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp.
Phần lớn bệnh nhân thoái hóa khớp không có biểu hiện tiền lâm sàng mặc dù bệnh có những tổn thương thoái hóa về mặt sinh hóa và giải phẫu bệnh. Vì vậy, giai đoạn tiền lâm sàng chưa thể coi là bệnh lý thực sự. Vào giai đoạn lâm sàng, bệnh nhân có biểu hiện đau, hạn chế vận động, biến dạng ở nhiều mức độ khác nhau. Giai đoạn này thường xuất hiện sớm ở thể thoái hóa khớp thứ phát, xuất hiện muộn hoặc không xuất hiện ở thể thoái hóa khớp nguyên phát. Không có một xét nghiệm cận lâm sàng nào dùng để chẩn đoán thoái hoá khớp. Để chẩn đoán bệnh, cần kết hợp giữa các biểu hiện trên lâm sàng và kết quả chụp phim X- quang khớp.
Không có thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp, mà chỉ điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng. Bệnh nhân có thể được điều trị phối hợp nội khoa, ngoại khoa và vật lý trị liệu. Việc điều trị nhằm mục đích giảm đau, duy trì hoạt động, hạn chế tàn tật.
Chính vì vậy, phòng bệnh thoái hóa khớp có vai trò hết sức quan trọng. Có thể phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống. Trong sinh hoạt hàng ngày, nên tránh các tư thế xấu có thể làm tăng lực tác động đến khớp và cột sống. Nên có chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao thích hợp, tránh tình trạng thừa cân quá mức. Người lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm thoái hóa khớp. Các dị tật của xương khớp và cột sống cần được phát hiện, xử lý sớm để ngăn ngừa các thoái hóa khớp thứ phát. Trẻ nhỏ cần được thăm khám, điều trị sớm bệnh còi xương, các tật về khớp gối...
Thoái hóa khớp cần được chẩn đoán và điều trị lâu dài bởi bác sĩ chuyên khoa khớp. Trường hợp sưng, đau và cứng khớp kéo dài trên 2 tuần hoặc nếu đang uống thuốc điều trị thoái hóa khớp mà có tác dụng phụ của thuốc như nôn ói, đau bụng, tiêu phân đen... thì nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời.
(Theo B. TÂM // Cần Thơ Online)