Đau lưng là một triệu chứng thường gặp, nhất là đau lưng cấp tính. Nếu người bệnh không được điều trị triệt để có thể chuyển thành mạn tính rất khó chữa, đặc biệt đối với các trường hợp thoái hóa cột sống chèn ép rễ thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, trượt thân đốt sống...Bài viết của bác sĩ CKI Vũ Đình Quỳnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ sẽ giúp bạn đọc hiểu và biết cách điều trị bệnh này.
Quế và vị Quế chi. Ảnh: V.Đ.Q |
Theo y học hiện đại, đau lưng là do bệnh lý đĩa đệm cột sống như thoát vị đĩa đệm, vôi hóa đĩa đệm, chấn thương đĩa đệm hay bệnh lý cột sống (thoái hóa, viêm cột sống dính khớp, loãng xương...). Với y học cổ truyền, đau lưng thuộc phạm vi chứng Tích thống (đau ngay tại cột sống) hoặc Bối thống (đau dọc hai bên cột sống); còn nếu đau vùng cột sống thắt lưng thì gọi là Yêu thống.
Người bệnh cấp tính sẽ bị đau đột ngột vùng thắt lưng, đau một hoặc hai bên, người bệnh khom, cúi hoặc nghiêng người khó khăn. Nếu nặng, người bệnh không thể tự ngồi dậy được hoặc có triệu chứng chèn ép rễ thần kinh tọa (đau thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân). Với trường hợp mạn tính thì đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, đau tại chỗ không lan; người bệnh khom, cúi hoặc nghiêng người khó khăn. Sau khi chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng bệnh nhân thường phải đấm vài cái vào khu vực đau sẽ thấy dễ chịu hơn. Người bệnh đi khám có thể phát hiện dấu hiệu gù, vẹo cột sống; đo độ chung dãn cột sống giảm (dấu hiệu schober): dưới 13 cm (bình thường 14-15cm).
Điều trị đau lưng bằng y học cổ truyền, với nhiều cách:
* Thể hàn thấp, đau lưng thuộc loại cấp tính, xảy ra sau khi bị lạnh (mắc mưa, thời tiết lạnh, ngâm nước lâu,...); đau nhiều khiến người bệnh cúi ngửa khó khăn, ấn thấy cơ vùng đau co cứng, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn hoặc phù hoãn.
- Phép trị: khu phong, tán hàn, trừ thấp ôn kinh hoạt lạc
- Bài thuốc: dùng một trong hai bài sau
+ Bài 1. Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm
Khương hoạt 10g Độc hoạt 15g Cảo bản 10g
Mạn kinh tử 10g Xuyên khung 10g Quế chi 10g
Ma hoàng 10g Đại táo 15g Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang, có thể thêm 2-3 lát gừng tươi giã nhỏ cho vào nước thuốc mới sắc xong, uống khi thuốc còn ấm.
+ Bài 2. Độc hoạt tang ký sinh gia giảm
Độc hoạt 15g Ký sinh 10g Phòng phong 10g
Tần giao 10g Xuyên khung 10g Tế tân 05g
Quế chi 10g Ngưu tất 15g Đỗ trọng 15g
Đảng sâm 15g Đương quy 10g Bạch thược 10g
Đại táo 15g Cam thảo 10g
Sắc với 2-3 lát gừng như trên, uống ngày 1 thang.
* Nếu đau ít, người bệnh có thể không dùng thuốc mà tự dùng hai mu bàn tay xoa và day nhẹ vùng lưng đau. Trường hợp đau nhiều hoặc vị trí đau không thể tự xoa bóp được, người nhà dùng khoảng 150g cám hoặc 200g muối cục rang cho hết nổ, sau đó dùng 5-6 lớp lá Nhàu trải trên vùng đau sau đó dùng vải bọc cám hoặc muối đã rang chườm trên vùng đã trải lá Nhàu. Lưu ý, khi dùng muối rất nóng cần cẩn thận để tránh bị bỏng.
* Thể thấp nhiệt (do viêm cột sống, viêm cột sống dính khớp), đau buốt vùng thắt lưng, cảm giác nóng rát vùng đau, đau tăng khi gặp nóng, chườm lạnh thấy đỡ đau, tiểu tiện vàng, tiêu bón, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác (đi nhanh và trơn).
- Phép trị: Thanh nhiệt lợi thấp, thư cân chỉ thống
- Bài thuốc: dùng một trong các bài sau
+ Bài 1. Bạch hổ quế chi thang gia vị
Thạch cao 40g Quế chi 10g Tri mẫu 15g
Hoàng bá 15g Thương truật 10g Kim ngân hoa 15g
Phòng kỷ 10g Cát căn 20g Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang.
+ Bài 2. Tứ diệu thang gia vị
Thương truật 10g Hoàng bá 15g Phòng kỷ 10g
Đương quy 10g Ngưu tất 15g Ý dĩ 15g
Kê huyết đằng 15g Mộc thông 10g Trạch tả 10g
Phòng phong 10g Độc hoạt 15g Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang.
* Thể huyết ứ (do sang chấn hoặc té ngã), đau cố định một chỗ, đau xuất hiện sau khi bị té hay bị chấn thương, xoay trở hoặc cúi ngửa vùng lưng-thắt lưng đều khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Khám vùng đau phát hiện điểm đau nhói; chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết (giống như cục máu bầm ở rìa hoặc mặt trên lưỡi); mạch sáp (đi rít, không trơn).
- Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ chỉ thống.
- Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị
Xuyên khung 10g Đương quy 15g Thục địa 10g
Bạch thược 10g Đào nhân 05g Hồng hoa 10g
Nhũ hương 10g Một dược 10g Cam thảo 10 g
Sắc uống ngày 1 thang.
* Thể thận dương hư (thường gặp ở người lớn tuổi, bị thoái hóa cột sống), người bệnh sắc mặt trắng, hay mệt mỏi uể oải, đau âm ỉ vùng thắt lưng kèm triệu chứng mỏi gối, ù tai, tay chân lạnh, ngũ canh tả (đi tiêu phân lỏng lúc sáng sớm), nằm nghỉ hay chườm nóng đỡ đau. Lưỡi nhợt, rêu trắng. Mạch trầm tế.
- Phép trị: Ôn bổ thận dương
- Bài thuốc: dùng 1 trong 2 bài sau
+ Bài 1. Bát vị quế phụ gia vị
Thục địa 15g Hoài sơn 15g Sơn thù 10g
Trạch tả 10g Đơn bì 10g Bạch linh 15g
Nhục quế 10g Đỗ trọng 15g Ngưu tất 15g
Phụ tử chế: 4g Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang.
+ Bài 2. Hữu quy ẩm gia giảm
Phụ tử chế: 4g Nhục quế 10g Lộc giác giao 10g
Thục địa 15g Hoài sơn 15g Sơn thù 10g
Kỷ tử 15g Bạch linh 15g Ngưu tất 15g
Thỏ ty tử 10g Đỗ trọng 15g Đương quy 10g
Đại táo 15g Cam thảo 10g
Sắc uống ngày 1 thang.
* Thể thận âm hư, đau âm ỉ vùng thắt lưng, mỏi gối, ù tai, cảm giác nóng trong người, ngũ tâm phiền nhiệt (lòng bàn tay, bàn chân và vùng trước ngực), ngủ kém, miệng họng khô. Tiểu vàng, tiêu bón. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch trầm tế sác.
- Phép trị: Tư bổ thận âm
- Bài thuốc: Lục vị thang gia vị
Thục địa 15g Hoài sơn 15g Sơn thù 10g
Trạch tả 10g Đơn bì 10g Bạch linh 15g
Đương quy 10g Bạch thược 10g Cam thảo 10g
Đại táo 15g
Sắc uống ngày 1 thang.
(Theo Bác sĩ Vũ Đình Quỳnh Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ // Cantho Online)