Cây sài đất có thể dùng chữa mụn nhọt. |
Vào mùa nắng nóng, mụn nhọt dễ phát sinh nhất là với người có nhiều mồ hôi, trẻ em, vệ sinh kém... Mụn nhọt có thể được chữa khỏi bằng nhiều biện pháp. Bài viết của bác sĩ Vũ Đình Quỳnh, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) TP Cần Thơ giúp bạn đọc có thêm 1 số bài thuốc chữa mụn nhọt theo y học cổ truyền.
Mụn nhọt, theo y học hiện đại là một bệnh nhiễm trùng da hoặc tổ chức dưới da thường do vi khuẩn tụ cầu nhân gây nên trong trường hợp da bị trầy xước lại không giữ vệ sinh tốt gây. Theo YHCT, mụn nhọt gọi là Thạch sang, nguyên nhân do hỏa độc hay do huyết nhiệt gây ra. Cách chữa, tùy theo giai đoạn:
* Giai đoạn viêm nhiễm: có các triệu chứng sưng nóng đỏ, đau tại chỗ, đau toàn thân có thể kèm sốt, rêu lưỡi trắng dày, tiểu vàng, mạch sác (nhanh hơn 90 lần /phút). Phép chữa: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm. Sau đây là một số bài thuốc có thể dùng trong giai đoạn này.
+ Bài 1: dùng từ 200g tới 300g cây Sài đất hoặc kết hợp với 50g Bồ công anh đem sắc với 800 ml nước (khoảng 4 chén), còn lại 200ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.
+ Bài 2: Kinh giới 10g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa 15g, Thổ phục linh 20g, Ngưu tất 15g, Đỗ đen sao 40g, Đơn sâm 15g, Tô mộc 15g, Cam thảo 10g, Nếu sốt cao, thêm Hoàng liên 10g, Hoàng cầm 15g, Chi tử 10g.
Ngày uống 2 lần: Lần 1, đổ 800ml nước sắc còn 150ml uống; Lần 2, đổ 600ml nước sắc còn 150 ml uống.* Giai đoạn hóa mủ: giai đoạn này mụn bớt sưng đỏ, nhưng ngay vùng đầu mụn có hiện tượng hóa mủ. Người bệnh có thể cảm thấy triệu chứng đau nhức nhiều tại nơi có mụn hoặc lan rộng ra khu vực lân cận làm cho bệnh nhân khó ngủ. Phép chữa: thác độc bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ). Giai đoạn này có một số bài thuốc sau:
+ Bài 1: Cao dán hút mủ và lên da
Củ Ráy dại 100g, Nghệ già 50g, Sáp 30g, Nhựa thông 30g, Dầu mè 500ml.
Cóc vàng 01 con đốt tồn tính (đốt cho Cóc cháy thành than khoảng 75%) sau đó tán thành bột mịn.
Cách dùng: cho dầu mè, nghệ, ráy đun (nấu) sôi đến khi nghệ và ráy teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp vào đun cho tan sáp sau đó cho tiếp bột cóc, nhựa thông khuấy lên đến khi tan đều lấy một giọt nhỏ vào chén nước lạnh mà không thấy loe ra là được (YHCT gọi là luyện thành châu). Rửa sạch mụn nhọt bằng nước sắc lá trầu lươn và kinh giới sau đó dùng miếng giấy chọc thủng ở giữa và phết cao lên giấy. Ngày dán 01 lần, khi dán không dán bít lên đầu mụn nhọt.
+ Bài 2: Thuốc uống
Kim ngân hoa 20g, Liên kiều 15g, Hoàng cầm 15g, Bồ công anh 20g, Trần bì 10g, Gai bồ kết (Tạo giác thích) 10g, Cam thảo 10g.
Các vị thuốc này sắc uống ngày 01 thang.
Trường hợp mụn nhọt đau nhức nhiều không ngủ được do mụn hóa mủ chậm, dùng con thằn lằn ngắt da bụng cho thủng sau đó áp phần ruột của thằn lằn lên đầu mụn, khoảng 2 giờ sau mụn sẽ hóa mủ nhiều. Ta có thể dùng kim sạch chích, nặn mủ sau đó, vệ sinh sạch sẽ vết chích rồi băng lại bằng gạc vô khuẩn. Bệnh nhân sẽ hết nhức ngay sau khi chích nặn mủ. Lưu ý, trong khi áp ruột thằn lằn, người bệnh sẽ có cảm giác như bị cắn vùng đầu mụn. Bài này rất hiệu nghiệm, bản thân tôi đã được 01 người dân áp dụng khi bị mụn nhọt ở cẳng chân lúc nhỏ.
* Giai đoạn đã vỡ mủ: giai đoạn này bệnh nhân hết sốt, đau giảm nhiều, chỉ còn triệu chứng tiết dịch nơi bị mụn. Phép trị: khứ hư sinh cơ (làm mất các tổ chức hoại tử, giúp mau lành bệnh). Giai đoạn này, bệnh nhân chủ yếu giữ gìn vệ sinh tốt, đặc biệt, cần rửa mụn vỡ bằng dung dịch sát khuẩn như Betadin hoặc nước muối sinh lý. Nếu cơ thể suy nhược, mủ không hết, nhọt lâu liền, bệnh nhân cần uống thêm thuốc Bổ khí huyết như Bát trân dạng viên hoàn hoặc viên nang.
(Theo can tho online)