Không ít bậc phụ huynh đsã tự mua thuốc điều trị cho con mình khi thấy con hắt hơi sổ mũi. Hậu quả là không ít trường hợp trẻ phải vào viện cấp cứu do ngộ độc thuốc, thậm chí rước thêm bệnh mới.
Gần như tuần nào ở khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1-2 TPHCM cũng có trường hợp trẻ phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc do người thân tự ý điều trị gây ra.
Mới đây khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận một trường hợp ngộ độc thuốc do người thân cho trẻ uống quá liều.
Khi thấy con bị nhiễm khuẩn hô hấp do thời tiết thay đổi, chị Hà ở quận 3 lo lắng sốt ruột liền ra nhà thuốc mua thuốc trị sổ mũi histamine cho con uống. Không ngờ sau uống, cháu bé bị ngộ độc phải vào BV Nhi đồng 1 cấp cứu. Sau khi con nhập viện, chị Hà mới biết đã kê đơn quá tay khi con mình mới ba tuổi nhưng cho uống liều của một người lớn.
Một trường hợp khác là cháu Võ Dạ Minh, bảy tháng tuổi, ở quận Tân Bình bị ngộ độc thuốc do mẹ tự cho uống cũng phải vào viện cấp cứu. Theo hồ sơ bệnh án, ba ngày trước khi nhập viện, Minh sổ mũi và khò khè được một bác sĩ ở phòng mạch thăm khám và cho uống thuốc nhưng vẫn không hết.
Sốt ruột, mẹ Minh lấy thuốc sổ mũi mà bà vẫn thường uống cho bé uống hai lần, mỗi lần nửa viên. Khoảng hai giờ sau khi uống liều thứ 2, bé bỗng ưỡn cổ, mắt nhìn lên, gồng hai tay liên tục buộc gia đình phải đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Sau khi khám tổng quát, các bác sĩ chẩn đoán là bị ngộ độc thuốc kháng histamine dành cho người lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1, chỉ trong năm 2009, cơ sở đã tiếp nhận 10 trường hợp ngộ độc thuốc kháng histamine chủ yếu trẻ nhỏ hơn ba tuổi, do người nhà tự mua thuốc điều trị cho trẻ mà không có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Thậm chí có trường hợp thấy con sốt nên vừa cho con uống thuốc hạ sốt liên tục vừa nhét thuốc ở hậu môn...Điều đó vô tình cho trẻ uống thuốc quá liều khiến trẻ bị tổn thương gan do thuốc.
Phải có hướng dẫn của thầy thuốc
Nhiều bậc cha mẹ suýt ôm hận vì tự ý mua thuốc điều trị bệnh cho con trong khi mù thông tin về bệnh tật.
Bác sĩ Minh Tiến cho biết mới đây khoa cấp cứu tiếp nhận một bệnh nhi bốn tuổi ở quận 10, trong tình trạng tím tái, tay chân lạnh ngắt do mẹ dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin 0,05% (một loại thuốc gây co mạch) nhỏ gần nửa lọ vào mũi con để mau lành bệnh khiến trẻ phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
"Đa số phụ huynh thấy trở trời, con kén ăn, quấy khóc là tự mua kháng sinh cho con uống nhưng không rõ tác dụng, thành phần ra sao. Có trường hợp thương con nên mua nhiều thuốc cho con uống, kiểu thương con như vậy như bằng hại con" - bác sĩ Tiến cho biết.
Ngoài ra, ngộ độc các loại thuốc khác và người nhà tự điều trị bằng phương pháp dân gian cũng diễn ra như cơm bữa.
Theo các bác sĩ, trẻ em có những đặc điểm cơ thể khác với người lớn, chưa phát triển hoàn chỉnh, do vậy sẽ nguy hiểm khi sử dụng các thuốc chỉ dành cho người lớn. Để tránh những tai nạn ngộ độc đáng tiếc cho trẻ, các bác sĩ lưu ý phụ huynh sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý thay thuốc, lấy thuốc của mình cho trẻ uống.
Theo bác sĩ Minh Triết - Phòng khám và tư vấn sức khỏe trẻ em - BV Nhi Đồng 1, việc chỉ định dùng thuốc rất quan trọng, đòi hỏi có ý kiến của bác sĩ và dược sĩ.
Đối với những trường hợp khi trẻ bị sốt, các bậc phụ huynh không nên cạo gió, giật gió khiến da bị trầy xước. Việc cắt lễ, vắt chanh vào miệng khi trẻ bị co giật hay chườm nước đá và ủ kín trẻ trong chăn hoặc mặc nhiều lớp quần áo cũng là điều tối kỵ.
(Theo Lê Nguyễn // Tienphong Online)