Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vắcxin chống ung thư cổ tử cung: giá quá cao!

Virút HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung. Một hội nghị chuyên đề về vắcxin chống HPV của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lần đầu tiên được tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc vào hai ngày 1 – 2.6, đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin về việc ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này


Khám thường xuyên cũng là “vắcxin”


Theo những chuyên gia hàng đầu từ viện Vắcxin quốc tế (International Vaccine Institute – IVI), virút HPV được tìm thấy trong 99% ca ung thư cổ tử cung. Các nhà khoa học đã đi đến kết luận HPV là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư quái ác này (căn bệnh ung thư phổ biến hàng thứ hai ở phụ nữ, chỉ sau ung thư vú). Ở các nước phát triển, ung thư cổ tử cung chiếm 10% tổng số các ca bệnh ung thư ở phụ nữ, trong khi ở các nước đang phát triển như Việt Nam, căn bệnh này chiếm đến 15%. Lý do chủ yếu, là phụ nữ ở các nước nghèo chưa có thói quen hoặc điều kiện để kiểm tra thường xuyên, trong khi ở các nước phát triển, việc khám thường xuyên (Pap test) giúp phát hiện ra tế bào bất thường ngay từ đầu để có biện pháp chữa trị trước khi virút chuyển thành ung thư. Châu Á chiếm đến 50% tổng số ca ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Theo WHO, mỗi năm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có khoảng 265 ngàn ca ung thư loại này, cướp đi sinh mạng của khoảng 140 ngàn phụ nữ. Các nhà khoa học định liệu rằng con số này có thể tăng lên 60% trong vòng 10 năm, do dân số châu Á tăng và số phụ nữ đến tuổi dễ mắc bệnh ung thư này cũng tăng lên.


Theo tiến sĩ Jeffrey Partridge, nhà khoa học tại viện IVI, HPV là loại virút trên da rất phổ biến, có đến 100 loại virút HPV khác nhau, trong đó khoảng 40 loại chuyên lây nhiễm qua đường tình dục. HPV được coi là loại bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn thế giới. Chẳng hạn ở Mỹ, 80% trong tổng số những người lớn có hoạt động tình dục đã từng bị nhiễm một loại virút HPV nào đó. Mặc dù vậy, không phải tất cả các virút HPV đều gây ra ung thư. Chỉ có hai chủng loại virút HPV chính (số 16 và 18) là loại có khả năng gây ung thư cao nhất, và thường xảy ra nhất là ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, và ung thư hậu môn, thường xảy ra ở những người quan hệ tình dục đồng tính.


Giá vắcxin ngáng chân người bệnh


Hiện nay đã có hai công ty sản xuất được vắcxin phòng HPV, Merck và GlaxoSmithKline. Vắcxin này được cho là đã chứng minh hiệu quả ngăn chặn ung thư cổ tử cung ở 60 – 70% trường hợp nhiễm virút này. Theo WHO, loại vắcxin này không có tác dụng chữa bệnh ung thư cổ tử cung, mà chỉ có tác dụng phòng chống. Ngay cả khi tiêm phòng đầy đủ thì vẫn còn xác suất 30% bị “lọt lưới”. Do đó, khám phụ khoa và xét nghiệm tế bào âm đạo thường kỳ cũng là một “vắcxin” để phòng chống HPV hiệu quả.


Vắcxin bắt buộc phải được tiêm trước tuổi hoạt động tình dục, và phải dùng đủ ba liều mới có tác dụng. WHO khuyến khích các quốc gia đưa loại vắcxin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia, nhưng cho rằng chương trình tiêm chủng phải đi liền với việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên.


Theo những chuyên gia và quan chức y tế hàng đầu của các nước có mặt tại hội nghị nói trên, trở ngại lớn nhất của việc phổ biến vắcxin chống HPV là chi phí. Tại Mỹ, giá cho ba liều vắcxin là 360 USD. Đối với các nước thu nhập thấp, đây là mức rất cao mà không chỉ người dân, chương trình quốc gia cũng khó có thể kham nổi. Ngay cả khi giá này có giảm một nửa, thì chi phí tiêm chủng toàn quốc cũng đã cao hơn chi phí tiêm chủng sáu loại dịch bệnh khác. Hiện nay, chính sách giá đối với mỗi quốc gia là khác nhau. Bà Linda Eckert, một chuyên gia của WHO, cho biết hiện nay WHO đang đàm phán với các công ty sản xuất vắcxin để tìm đến một giải pháp giá hữu hiệu cho những nước như Việt Nam.

Cả bà Eckert và đại diện của các công ty dược phẩm có mặt đều không cho biết được cụ thể giá vắcxin áp dụng cho một nước thuộc hàng thu nhập thấp (với GDP trên đầu người dưới 1.000 USD) sẽ là bao nhiêu. “Đối với các nước thu nhập thấp, chúng tôi sẽ đưa ra giá rất thấp, mức giá mà chúng tôi không hề có lời”, ông Randall Hyer, giám đốc bộ phận quan hệ y tế quốc tế và chính sách y tế của công ty dược phẩm Merck, cho biết như vậy. Nếu lời hứa này được thực hiện, có khoảng 72 quốc gia trong chương trình GAVI sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.


Vì giá cao như vậy, mới chỉ có một số ít quốc gia đưa loại vắcxin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia, chủ yếu là những nước thu nhập cao.

( Theo Lan Anh // SGTT Online)

  • Thuốc độc trên đĩa thức ăn
  • 6 lý do nên uống nước quả ép
  • Đông máu tĩnh mạch - Bệnh của tương lai?
  • 10 lý do nên tập chạy
  • Vũ khí mới chữa bệnh tiểu đường
  • Cần có một quan niệm đúng về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
  • Nước giải khát có ga không tốt cho tim phụ nữ
  • Sữa chua: “Ăn vặt” thông minh
  • Dùng thuốc muối chữa viêm dạ dày?
  • “Tái huấn luyện” cho não
  • Điều trị trứng cá không khó
  • Vitamin C làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút
  • Bốn loại thực phẩm giúp làm tăng trí nhớ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com