Hỏi: Ho kéo dài gần tháng, uống thuốc nhiều rồi mà chưa đỡ. Chụp phim, bác sỹ chẩn đoán là viêm phế quản, đi khám bác sỹ cũng chẩn đoán là viêm phế quản. Bệnh có nguy hiểm gì không, sao uống thuốc lâu khỏi, bệnh cấp tính và mạn tính có gì khác nhau?
(Lê Thành Nhân, Phường 9, Tp Tuy Hòa)
Trả lời: Viêm phế quản là bệnh do lớp màng nhầy của phế quản (cuống phổi) bị vi khuẩn hoặc vi rút tấn công, hoặc bị viêm nhiễm vì môi trường (khói thuốc lá, bụi,..) làm phế quản bị phù nề, tăng tiết đờm dãi gây ho, sốt. Phân biệt viêm phế quản cấp hay mạn tính căn cứ vào thời gian bệnh và hậu qủa của bệnh.
Viêm phế quản cấp tính có thể kéo dài từ 3 ngày tới 3 tuần, triệu chứng thường gặp là sốt, ớn lạnh, ho có ít đàm nhầy nhớt, đau họng, đau mình mẩy. Điều trị bằng cách nằm nghỉ, uống nhiều nước để làm lỏng đàm cho dễ ho, uống thuốc giảm đau hạ nhiệt (paracetamol), có thể dùng một số thuốc long đàm. Tùy tình huống cụ thể bác sỹ có thể cho dùng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn, dùng dạng uống, tiêm hoặc hít tùy loại.
Để sức khỏe hồi phục hoàn toàn, nhiều khi cần tới cả tháng. Nếu bệnh kéo dài hơn 1 tuần, cần đi khám lại vì bệnh có thể chuyển thành viêm phổi (một phần hoặc toàn bộ phổi bị viêm) với các triệu chứng sốt cao kéo dài, ho với nhiều đàm, đàm có thể đặc hơn có dạng mủ.
Người bị viêm phế quản mạn tính thường ho nhiều và có nhiều đàm hơn. Bệnh thường kéo dài từ 2 tháng tới 2 năm, phần lớn là đàn ông trung niên trở lên. Căn bệnh thường làm các phế nang tổn thương ảnh hưởng tới chức năng thở ra, hít vào. Bệnh thường gặp ở những người nghiện thuốc lá, hoặc những người làm việc trong môi trường nhiều bụi khói.
Những triệu chứng của viêm phế quản mạn tính là: hơi thở ngắn khi hít vào; thời gian nghỉ giữa thở ra hít vào ngắn; ho có đàm đặc vàng.
Điều trị bệnh căn bản là phải bỏ thuốc lá nếu nghiện, dùng thuốc kháng sinh trong các đợt tiến triển, có thể phải dùng thuốc theo kháng sinh đồ ( thử tính nhạy cảm của vi khuẩn theo thuốc phù hợp), thuốc long đàm giãn phế quản.
Bệnh không nguy hiểm nếu được theo dõi điều trị phù hợp, chưa chuyển thành viêm phổi, viêm xoang đối với bệnh cấp hoặc giãn phế quản gây suy hô hấp ở bệnh mạn tính.
BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)