Duy trì nòi giống là một nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của con người. Những cặp vợ chồng lấy nhau một, hai năm mà chưa có con thì lo lắng vô cùng và bắt đầu tìm kiếm một phương pháp điều trị nào đó để tìm kiếm một mụn con.
Theo y học cổ truyền (YHCT), con gái 14 tuổi và con trai khoảng 16 tuổi là lứa tuổi của “thiên quý” đến, “tinh khí” đã đầy đủ. Lúc ấy, người nam và người nữ có thể giao hợp, thụ thai và sinh con (đấy là theo quan niệm của YHCT, chứ luật pháp ngày nay không cho phép!). Năng lực này (thiên quý) được duy trì cho đến một lúc nào đó sẽ suy mòn (nữ bắt đầu từ 35 tuổi và nam bắt đầu từ 40 tuổi), sự thụ thai sẽ khó khăn dần cho đến khi không còn có thể thụ thai được nữa!
Nói đến vấn đề tính dục và sinh sản theo YHCT là nói đến chữ “tinh”. Đây là từ ngữ để mô tả một năng lượng bao gồm năng lượng tự nhiên nhận được từ cha mẹ truyền cho, gọi là “tinh tiên thiên”, và năng lượng nhận được từ những chất tinh hoa do hai tạng phủ tỳ và vị chuyển hóa từ sữa mẹ, thức ăn, lối sống, hoàn cảnh sống… (bao gồm tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe) của bản thân người đó sau khi đã sinh ra…, được gọi là “tinh hậu thiên”.
“Tinh tiên thiên” và “tinh hậu thiên” dựa vào nhau cùng tồn tại và tác động qua lại để hoàn thiện chức năng của mình. “Tinh tiên thiên” làm nền tảng ban đầu (tạo ra mầm sống mới). “Tinh hậu thiên” nuôi dưỡng, bổ sung cho “tinh tiên thiên” để cho cá nhân đó có được một “tinh khí” dồi dào cho sự phát dục và phát triển tâm thể. Hai loại tinh nói trên đều được lưu trữ ở tạng thận (thận tàng tinh), do đó đa số những rối loạn về sinh dục, vô sinh… đều có nguyên nhân từ tạng thận! (Đây là một hệ thống giải phẫu sinh lý chức năng chứ không phải là hai quả thận theo y học hiện đại).
Chính vì vậy YHCT luôn chú trọng đến vấn đề điều hòa điều chỉnh và bồi bổ tạng thận để điều trị những rối loạn về sinh dục tiết niệu, nhất là những trường hợp vô sinh.
Khi nam giới bị vô sinh, theo YHCT, là do một trong những hội chứng bệnh lý như “tiên thiên bất túc” (“tinh tiên thiên” bị suy hư), bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, có những khiếm khuyết ở cơ quan sinh dục (tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, tinh hoàn bị teo bẩm sinh, teo ống dẫn tinh…). Những trường hợp này cần được điều trị bằng y học hiện đại (phẫu thuật chỉnh hình, cắt bỏ, hay tái tạo lại bằng những bộ phận nhân tạo…).
Bệnh lý “thận dương hư” với các triệu chứng rối loạn cương, liệt dương, xuất tinh sớm, sắc mặt u ám, xanh xao, người gầy gò thiếu sinh lực, đau thắt lưng, tay chân lạnh, mạch trầm tế hoặc trầm trì và vô lực (nếu kèm theo “mệnh môn hỏa hư suy” thì những triệu chứng trên sẽ nặng nề hơn)… Phương pháp điều trị là bổ thận dương hay bổ mệnh môn hỏa (ôn thận tráng dương), cần những bài thuốc kinh điển như “hữu quy hoàn”, “thận khí hoàn”...
Người bệnh được chẩn đoán “thận âm hư” khi có những biểu hiện tinh thần bứt rứt, mệt mỏi, nóng khô khốc trong người, cảm giác nóng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng ngực, nhất là về ban đêm (ngũ tâm phiền nhiệt), lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch tế sác, đi kèm với hiện tượng xuất tinh sớm, liệt dương. Phương pháp điều trị là “tư âm bổ thận” với bài thuốc “tri bá địa hoàng thang”...
Bệnh lý “thể thấp nhiệt hạ tiêu” có các triệu chứng như người mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, choáng váng, người nặng nề, bụng đầy chướng, đau vùng thắt lưng, nóng người đôi khi kèm theo sốt, tiểu tiện khó, đau, buốt rát, tiểu dắt, nước tiểu có màu vàng, vàng sậm hoặc màu đỏ, miệng khô, đắng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền hoạt, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương… cần điều trị “thanh nhiệt lợi thấp” bằng bài thuốc “long đởm tả can thang”, “bát vị tri bá gia giảm”…
Nếu người bệnh rơi vào thể “đàm thấp trở trệ”, biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng béo phì, nặng nề, yếu mệt, không có khí lực, tim hồi hộp, chóng mặt hay lo âu, sợ hãi vô cớ, chất lưỡi đỏ nhạt, có khi trắng bệu, rêu trắng nhợt nhạt, mạch nhu và hoạt, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương… cần phải kiện tỳ, hòa vị, “táo thấp hóa đàm” với bài thuốc “hương sa lục quân gia giảm”…
Biểu hiện của thể “can khí uất trệ” là người mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt khó chịu, đau tức vùng sườn, ngực, nặng ngực, khó thở, tim hồi hộp, bụng chướng, ợ hơi, ựa chua, nhức đầu, tính tình rất dễ nóng giận, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, tiểu nước vàng, mạch huyền sác, cách điều trị là “sơ an lý khí” với bài thuốc “sài hồ sơ can thang” hay “tiêu dao đan chi thang”…
Ngoài ra, còn nhiều thể bệnh khác gây vô sinh và những bài thuốc điều trị tương ứng khác. Nhìn chung, tất cả những thể bệnh gây vô sinh nói trên thường đi kèm theo hiện tượng rối loạn nội tiết tố nam (testosterone) cùng với tình trạng chất lượng và số lượng tinh trùng giảm rất nhiều hoặc biến mất trong tinh dịch.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài những bài thuốc, thầy thuốc YHCT còn kết hợp thêm nhiều phương pháp khác như châm cứu (châm vào nhóm huyệt bổ thận có thể làm tăng lượng testosterone trong cơ thể bệnh nhân), xoa bóp và tự xoa bóp bổ thận (tác động vào vùng bụng dưới và vùng thắt lưng), day bấm huyệt, tập khí công, yoga, thái cực quyền, thay đổi lối sống cho phù hợp, và nhất là việc ăn uống để bổ thận, sinh tinh (trong đó có sinh tinh trùng).
Tóm lại, YHCT có cả một hệ thống phương pháp điều trị bệnh vô sinh mang tính tổng hợp. YHCT không quan niệm rằng vô sinh chỉ là sự khiếm khuyết của một bộ phận nào đó trong cơ thể mà điều trị vô sinh là vấn đề điều hòa, điều chỉnh những rối loạn toàn thân mới có thể có kết quả mỹ mãn và dài lâu.
(*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM
(Theo BS. Lê Hùng (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)