“Làng” công nghệ di động năm 2010 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi bước ngoặt, từ cuộc chiến giữa các hệ điều hành cho tới sự đua tranh ra mắt mẫu sản phẩm mới trên mọi phân khúc thị trường.
Cùng với bức tranh tổng thể sáng sủa, ở mỗi lĩnh vực, phân khúc lại có một điểm nhấn thú vị, tốt hoặc xấu, nhưng đều để lại ấn tượng đặc biệt đối với các tín đồ công nghệ.
Dưới đây là 10 điểm nhấn như vậy theo bình chọn của trang công nghệ Cnet:
Nhiều lời đồn đại nhất: Điện thoại PSP
Những lời đồn về chiếc điện thoại mang thương hiệu PSP của Sony Ericsson đã xuất hiện từ năm 2006, nhưng chỉ trở nên “ầm ĩ” khi trang công nghệ Engadget gần đây loan tin sản phẩm này sắp ra mắt.
Những chi tiết ban đầu về chiếc điện thoại này là máy có thiết kế khá giống với Sony Ericsson Vivaz. Tuy nhiên, nó sẽ có các nút điều khiển của mẫu máy chơi game PSP cùng trackpad đa chạm thay cho bàn phím.
Ngoài ra, chiếc điện thoại còn được cho sử dụng màn hình độ phân giải cao, bộ vi xử lý 1GHz, RAM 512 MB và hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread.
Game di động phổ biến nhất: Angry Birds của Rovio
Thật khó mà tin nổi nếu có tín đồ công nghệ nào cho biết chưa từng nghe về trò chơi trên điện thoại di động này.
Được phát hành bởi Chilingo vào tháng 12 năm ngoái, Angry Birds là một game đơn giản. Người chơi phải điều khiển lũ chim tấn công lại lũ lợn quỷ quyệt đã ăn cắp những quả trứng của mình.
Trong mỗi màn chơi, người chơi sẽ dùng một chiếc ná để bắn các con chim về phía chỗ trú ẩn của lũ lợn. Khi tất cả đối thủ trong màn chơi đã bị tiêu diệt, người chơi sẽ sang vòng tiếp theo.
Trò chơi này hiện tương thích với các hệ điều hành iPhone, Android, Symbian và webOS. Thật khó mà bỏ lỡ game này.
“Dế” thông minh bán chạy nhất: iPhone 4 của Apple
Nếu có mẫu di động nào gây được chú ý nhiều nhất trong năm nay, thì đó phải là iPhone 4. Mẫu di động thông minh này là thiết bị di động bán chạy nhất trong các danh sách 10 mẫu điện thoại "hot" hàng tháng của Cnet.
Chỉ trong 3 ngày đầu tiên sau khi xuất xưởng, Apple đã bán được hơn 1,7 triệu chiếc iPhone 4.
Một số cửa hàng đã bị vét sạch kho chỉ sau vài giờ mở cửa. Giới phân tích từng cảnh báo rằng Apple khó lòng chuẩn bị kịp các linh kiện cho điện thoại, chẳng hạn như màn hình siêu phân giải RETINA mới.
Mặc dù bị vướng vào sự cố ăng-ten và phiên bản màu trắng bị trì hoãn ra mắt, nhưng doanh số tiêu thụ của iPhone 4 vẫn cao kỷ lục.
Chiếc điện thoại “thọ” ít nhất: Microsoft Kin
Mất hai năm phát triển và chi ra một số tiền quảng cáo không nhỏ cho dòng điện thoại Kin, nhưng Microsoft đã sớm phải gánh lấy thất bại.
Chỉ 48 ngày sau khi tung ra mẫu dế thông minh này, Microsoft đã phải ngậm ngùi ngừng bán vì doanh số đáng thất vọng của nó.
“Đây là một thất bại tuyệt đối”, Charles S. Golvin, một chuyên gia phân tích tại Forrester Research khẳng định.
Ông Golvin cho biết đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến Microsoft “khai tử” một sản phẩm quá nhanh, bởi người hùng phần mềm này vốn có truyền thống gắn bó lâu bền với các sản phẩm mới và không ngừng cải tiến chúng theo thời gian.
Theo tin mới nhất, hai dòng Kin và Kin Two đã được bán trở lại tại mạng di động Verizon dưới những cái tên mới là Kin và Kin Twom.
Lỗi thiết bị “nổi” nhất: Ăng-ten của iPhone 4
Lỗi mất sóng ở iPhone 4 là chủ đề “hot” nhất vào giữa năm nay, sau khi tạp chí tiêu dùng danh tiếng Consumer Reports từ chối tiến cử chiếc điện thoại đình đám này. Khách hàng liên tục phàn nàn còn Apple thì tìm đủ cách chữa cháy.
CEO của Apple đã “khẳng khái” tuyên bố đây là vấn đề chung của mọi sản phẩm di động thông minh, thậm chí lãnh đạo của hãng còn mang cả các mẫu dế BlackBerry, HTC, Samsung ra làm bằng chứng.
Chưa hết, CEO Apple trước đó còn đổ lỗi cho người tiêu dùng cầm điện thoại sai cách, khiến iPhone 4 mất sóng. Tuyên bố này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí một số hãng đối thủ như Motorola, Nokia còn đăng hướng dẫn cách cầm máy cho đúng đầy mỉa mai.
Vụ việc chỉ lắng dịu sau khi Apple quyết định tặng vỏ miễn phí cho sản phẩm này và chỉnh sửa firmware cho phép hiển thị các cột sóng nhiều hơn.
Bị cấm đoán nhiều nhất: Điện thoại BlackBerry
Nhà sản xuất điện thoại BlackBerry, Research In Motion, đã gặp rắc rối ở Arập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Nhà chức trách tại đây đã cấm sử dụng dịch vụ tin nhắn, e-mail và duyệt web trên các mẫu dế BlackBerry vì lo ngại nguy cơ an ninh tiềm ẩn.
UAE cho rằng, do dữ liệu được mã hóa gửi thẳng ra nước ngoài nên nguy cơ mất an ninh trên dòng điện thoại BlackBerry là rất lớn. Hiện BlackBerry đang là dòng điện thoại an toàn nhất hiện nay, nhưng không phải chính phủ nào cũng thích điều đó. Các dữ liệu trên BlackBerry được mã hóa ở mức cao nhất và thường được gửi thẳng tới máy chủ của Research In Motion tại nước ngoài mà không qua cơ chế kiểm duyệt của nước sở tại.
Theo UAE, chính vì họ không thể kiểm soát được nội dung dữ liệu trên BlackBerry nên không thể theo dõi được các hoạt động phạm pháp diễn ra trên kênh giao tiếp này. Động thái của Arập Xê-út và UAE khiến nhiều đối tác nước ngoài e ngại về môi trường kiểm soát viễn thông đang được thắt chặt tại khu vực vùng Vịnh này.
Vấn đề này cuối cùng cũng được giải quyết sau khi hãng sản xuất quyết định thỏa hiệp với các quốc gia này.
Hệ điều hành di động hứa hẹn nhất: Windows Phone 7 của Microsoft
Windows Phone 7 là một hệ điều hành hoàn toàn mới được Microsoft thiết kế nhằm cạnh tranh tốt hơn với những đối thủ mới trong thị trường di động như Apple và Google. Hệ điều hành này được xây dựng và phát triển trong một thời gian khá dài.
Tổng cộng, Microsoft đã mất tới 18 tháng để phát triển và thêm 8 tháng nữa kể từ khi những thông tin đầu tiên được đưa ra hồi tháng 2, cho tới những ngày đầu tháng 10 vừa qua mới chính thức công bố. Tuy nhiên, Windows Phone 7 vẫn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hệ điều hành này được đánh giá là dễ sử dụng, tao nhã và giao diện thực sự ấn tượng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ còn tốt hơn trong tương lai.
Trong một nghiên cứu gần đây, hãng nghiên cứu IDC cho biết, thị phần thị trường của hệ điều hành di động Windows trên các thiết bị như smartphone khoảng 6,8%, đứng sau Symbian, Blackberry OS, Android và iOS. IDC dự đoán hệ điều hành Windows mới sẽ giúp Microsoft giành lại được thị phần đã mất và đạt 9,8% trong năm 2014.
Hệ điều hành gây tranh cãi nhất: Android của Google
Android là hệ điều hành mở năng động và thân thiện với người dùng vào bậc nhất hiện nay. Với chợ ứng dụng trực tuyến Android, người sử dụng có thể tha hồ tải về máy với hàng chục nghìn ứng dụng phong phú từ các chủ đề như sách, công cụ trao đổi, chat, Giải trí, cho đến theo dõi sức khỏe, hỗ trợ tài chính hoặc Lifestyle…
Android có khả năng hoạt động ổn định và linh hoạt, có thể chạy nhiều ứng dụng một lúc linh hoạt, mượt mà. Android còn hỗ trợ cài đặt không giới hạn số lượng tài khoản email. Người dùng có thể cài cả account mail cá nhân như Gmail hoặc các mail outlook phục vụ cho công việc.
Vì Android là hệ điều hành do Google phát triển nên hỗ trợ tối đa các chức năng liên quan tới Google như Google Maps, Google Latitude, Gmail, YouTube… Một yếu tố khác giúp Android ngày càng vững mạnh không thể không kể đến chính là nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những nhà sản xuất có tên tuổi.
Tuy nhiên, tốc độ cập nhật nhanh chóng của Android đã dẫn tới một chủ đề tranh luận không ngớt. Ngoài những lời ngợi khen, Android cũng làm nhiều người lo sợ bởi hãng thay đổi quá nhanh. Người dùng sẽ cảm thấy hệ điều hành của mình mau lỗi thời. Tin tức tốt lành là, tốc độ cập nhật Android sẽ chậm lại.
Công nghệ được chờ đợi nhất: Giao tiếp phạm vi gần (NFC)
NFC cho phép người dùng tương tác giữa các thiết bị điện tử khác nhau ở khoảng cách gần theo cách đơn giản nhất. Đây không phải công nghệ mới mang tính đột phá. Thực thế, nó chỉ là một biến thể của công nghệ không dây hoạt động trong phạm vi hẹp và đã xuất hiện ở Nhật và một số quốc gia châu Âu.
Giống RFID (kỹ thuật nhận dạng sóng vô tuyến từ xa), NFC nhanh chóng trao đổi thông tin giữa các thiết bị khi chúng chạm vào nhau hoặc ở sát nhau. Người dùng có thể truyền đi text, hình ảnh, đường link và những dữ liệu khác đơn giản chỉ bằng cách vẫy điện thoại.
Google đã hỗ trợ công nghệ này trong các mẫu điện thoại Android của hãng, giúp khách hàng thanh toán hóa đơn thay cho thẻ tín dụng. Hãng Apple được đồn là cũng sẽ trang bị chip NFC trong mẫu iPhone thế hệ kế tiếp.
Tính năng được chờ đợi nhất: Điện thoại 3D
Mặc dù điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng các mẫu di động thông minh hỗ trợ công nghệ 3D quả là điều mà nhiều tín độ công nghệ mong chờ. Công ty NTT Docomo của Nhật Bản mới đây đã công bố một mẫu điện thoại Android hỗ trợ hiển thị hình ảnh 3D động.
Trong khi đó, hãng Sharp, cũng vừa ra mắt 2 chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android đầu tiên cho phép người dùng xem hình ảnh 3D mà không cần đeo kính.
Bộ đôi Sharp 003SH và 005SH đều có cấu hình mạnh mẽ, trong đó Sharp 003SH sử dụng màn hình cảm ứng còn Sharp 005SH được trang bị bàn phím QWERTY. Cả hai smartphone đều có màn hình rộng 3,8 inch và sử dụng bộ xử lý 1GHz Snapdragon, chạy hệ điều hành Android 2.2 Froyo.
Khả năng chụp ảnh của bộ đôi điện thoại 3D đầu tiên này cũng rất ấn tượng. Sharp 003SH được trang bị camera 9,6 megapixel, còn Sharp 005SH có camera 8 megapixel có thể quay video 720p.
(Theo Vneconomy)