Nên sử dụng công nghệ 4G trên nền tảng WiMAX hay LTE? |
Ông Lê Văn Tuấn – Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số của Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) chia sẻ: “Đứng về góc độ quản lý nhà nước, quan điểm chung là doanh nghiệp (DN) tự quyết định trong việc lựa chọn công nghệ WiMAX hay LTE… để sử dụng, nhưng theo tôi, công nghệ nào cũng chỉ thành công khi giá thành công nghệ rẻ, đặc biệt là thiết bị cầm tay phải rẻ.
Thực tiễn cho thấy, đã có một số DN lựa chọn băng tần không tốt dẫn đến đầu tư không hiệu quả”. Việc đưa ra những lựa chọn mang tính chiến lược ở thời điểm chưa chín muồi mà các DN đưa ra ngay lúc này sẽ dễ bị nhầm lẫn và dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao bởi hiện nay chưa có công nghệ nào được kiểm chứng là chắc chắn. Do đó, khi các DN tiến hành xin cấp phép băng tần 4G, WiMAX, các DN cần phải đánh giá, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng làm thế nào để công nghệ DN mình chọn lựa có khả năng thành công và giá thành rẻ thì hãy tiến hành.
Một điều quan trọng không kém quyết định sự thành công của ứng dụng công nghệ mới là thời điểm cấp phép của nhà nước. Vào thời điểm “nóng” như hiện nay, các DN còn đang loay hoay chọn lựa, thì chính việc Nhà nước chọn thời điểm cấp phép phù hợp, cân nhắc, công nghệ có khả năng thành công và giá thành tương đối rẻ là tốt nhất.
Hơn nữa, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì dịch vụ 3G mới vừa được cấp phép tại Việt Nam, những tính năng của 3G chưa được khai thác triệt để, người dùng chủ yếu sử dụng để truy cập Internet, chưa mặn mà với dịch vụ giá trị gia tăng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các DN chưa tận dụng hiệu quả tài nguyên băng tần 3G. Do đó, việc xin cấp phép cho các doanh nghiệp hiện nay là chưa thực sự cần thiết, và không mang lại lợi ích cho xã hội do giá thành thiết bị trong thời gian này sẽ rất đắt, việc triển khai quy mô rộng chưa khả thi.
Tuy nhiên, một phương thức được xem là tiện cả đôi đường là doanh nghiệp có thể xin cấp phép ở quy mô nhỏ để có kinh nghiệm ban đầu về kỹ thuật và kinh doanh rồi tự đưa ra đánh giá về công nghệ. Sau khi cấp phép chính thức, DN sẽ có những nhìn nhận đúng cũng như những lời giải phù hợp cho mình để có lựa chọn cũng như quyết định đúng. Ông Tuấn cho biết thêm: Việc chuyển sang băng rộng hiện nay là điều cần thiết tuy nhiên đối với Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Đối với các DN, hiện nay ngoài các khó khăn trong việc dùng chung cơ sở hạ tầng… thì phải đầu tư mới về mạng lưới khi chuyển từ thoại sang băng rộng, thứ hai là phải tạo được một hệ thống công nghệ nội dung đảm bảo mang tính chiến lược; thứ 3 là chi phí lớn. Và đây cũng chính là khó khăn chung của cơ quan quản lý nhà nước. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì việc tính toán để có một hệ thống công nghệ nội dung, tìm kiếm thêm băng tần để cung cấp cho doanh nghiệp là điều quan trọng, bởi nếu băng tần thiếu thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nguồn vốn tương đối lớn.
Thanh Thảo (Theo ITCNews)