|
Một mẫu di động của thương hiệu Q-Mobile. |
Cách đây 5 năm, những ý tưởng sản xuất điện thoại thương hiệu Việt thường bị cho rằng có tới 99% là thất bại. Song, sau sự thành công của công ty viễn thông An Bình (ABTel - với dòng Q-Mobile), thị trường điện thoại thương hiệu Việt đã có thêm nhiều tên tuổi lớn như FPT, Viettel và mới đây nhất là Hanel…
Thị trường đang chứng kiến một cuộc “đổ bộ” của điện thoại thương hiệu Việt.
"Hiện tượng" Q-Mobile
Bà Đoàn Thanh Nhàn, Quản lý Ngành hàng, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (một đơn vị chiếm thị phần khá lớn trong mảng phân phối điện thoại di động) cho biết: “Q-Mobile hiện là sản phẩm tiêu thụ chạy nhất trong các nhãn hiệu điện thoại thương hiệu Việt bán qua hệ thống phân phối của Viettel. Doanh số bán của Q-Mobile chiếm khoảng 15-20% trong tổng doanh số bán các sản phẩm điện thoại nội ngoại của Viettel”.
"Nhảy" vào thị trường điện thoại từ giữa năm 2008, ABTel - đơn vị sở hữu Q-Mobile, được coi như là doanh nghiệp thành công nhất trên thị trường điện thoại thương hiệu Việt.
Qua thống kê tại các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ điện thoại, điện thoại di động Q-Mobile hiện đã chiếm gần 30% thị phần trong nước và đứng vị trí thứ hai, sau Nokia (chiếm khoảng 50% thị phần). Q-Mobile đang chiếm ưu thế ở phân khúc sản phẩm từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng và tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, không phải thành phố lớn.
"Tuy nhiên, mục tiêu mà ABTel đặt ra là sẽ đưa Q-Mobile vượt Nokia, để trở thành thương hiệu đứng đầu thị trường điện thoại di động tại Việt Nam vào cuối năm sau”, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc ABTel nói.
Công ty An Bình đang tính đến kế hoạch mở rộng thị trường, bằng xuất khẩu sang các nước có điều kiện tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanma và các nước châu Phi. Bên cạnh đó, Abtel còn đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp điện thoại 3G số một Việt Nam.
Để thực hiện kế hoạch này, ABTel đang chuẩn bị ra mắt lô sản phẩm điện thoại 3G đầu tiên với đặc trưng của thương hiệu Q-Mobile là điện thoại 2 SIM và giá thấp, có loại chỉ khoảng 2 triệu đồng. Mới đây, hãng đã ra mắt điện thoại 3G và có kế hoạch sẽ hợp tác với các mạng di động tại Việt Nam trong việc phân phối điện thoại 3G này.
Với những thành quả bước đầu, Q-Mobile là thương hiệu đầu tiên đang chứng minh được rằng, điện thoại thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới ngay tại “sân” nhà.
Và cuộc "đổ bộ"...
Sau khi tìm hiểu thị trường điện thoại di động và nhận thấy còn cơ hội, FPT đã tham gia thị trường điện thoại thương hiệu Việt từ năm 2008. Mặc dù chưa có được thành công như ABTel, nhưng mới đây FPT đã “bứt phá” và đưa ra sản phẩm điện thoại di động thông minh F99 với giá bán 1.890.000 đồng.
FPT F99 là điện thoại thông minh có cài đặt sẵn các ứng dụng của FPT thiết kế (chat, đọc báo, lướt web, lịch âm dương, game, nhạc chuông), có cổng kết nối Wi-Fi, GPRS, hỗ trợ 2 sim, thẻ nhớ ngoài 2G, nhạc MP3, FM Radio, bàn phím Qwerty…
Không chỉ tham gia vào thị trường điện thoại thương hiệu Việt ở phân khúc thị trường giá rẻ. Mới đây, công ty Hồng Ngọc Sài Gòn còn công bố tham gia thị trường điện thoại thương hiệu Việt - rubyNd - nhưng ở phân khúc sản phẩm cao cấp với những mẫu có giá khởi điểm khoảng 25 triệu đồng.
Sản phẩm điện thoại di động được chế tác thủ công từ gỗ và nhiều vật liệu quý hiếm như đá quý, vàng, gỗ mun, trầm hương, ngà voi, kim cương, ngọc trai… Vì được chế tác thủ công nên khách hàng có thể yêu cầu trang trí chiếc điện thoại theo ý thích trên hai sản phẩm khuôn mẫu có sẵn.
Bà Nhàn cho biết, hiện các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt mà Viettel đang phân phối chiếm khoảng 20 - 25% tổng doanh thu của mảng phân phối điện thoại di động của Viettel. “Điện thoại di động thương hiệu Việt như Q-Mobile, F-Mobile, Mobell… được bán với giá vừa phải mà lại có đầy đủ tính năng và chất lượng ổn định nên được khách hàng tại các tỉnh ưa chuộng”.
Không chịu đứng ngoài “cuộc chơi”, Viettel cũng đã có những động thái đầu tiên để chính thức tham gia thị trường điện thoại thương hiệu Việt.
Sau hơn một năm nghiên cứu phát triển và thiết kế, Viettel đã chế tạo thành công máy điện thoại cố định không dây Homephone và 250.000 máy đã được đưa ra thị trường vào tháng 6 vừa qua. Sản phẩm này được Viettel lựa chọn sản xuất tại Hàn Quốc. Viettel làm chủ trong việc lựa chọn đối tác cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, giám sát quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng đầu ra.
Viettel công bố đã thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công máy điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hoặc cho tàu tuần tra, vận tải. Đây là sản phẩm điện thoại tích hợp 3 trong 1: điện thoại di động, đài thu AM, FM và thiết bị xác định tọa độ GPS, có khả năng liên lạc trong cự ly 120 km, xa hơn so với máy di động cầm tay thông thường trên 30%.
Ngoài ra sản phẩm cũng có các chức năng của một máy điện thoai di động GSM thông thường. Sản phẩm được thiết kế chịu đựng được môi trường nước biển có độ ẩm cao, chống nước, chịu được rung xóc.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc trên biển có độ ồn cao nên thiết bị có thêm bộ phận cắt ồn, lọc nhiễu. Mới đây, Viettel còn đưa ra thị trường dòng điện thoại thông minh 3G kèm theo bộ hòa mạng trọn gói 3G ZIK.
Sản phẩm có giá bán 2.050.000 đồng (khách hàng được nhận một máy điện thoại smart phone 3G (Model V8301) và 1 SIM 3G được “kích hoạt” sẵn chính sách khuyến mại có giá trị 1.840.000 đồng cùng chế độ bảo hành kéo dài 12 tháng).
Ông Nguyễn Đình Công, Phó giám đốc công ty công nghệ Viettel cho biết: “Sản xuất thành công điện thoại khẳng định một bước tiến mới trong việc nghiên cứu, chế tạo và phát triển sản phẩm viễn thông của Viettel. Đây là tiền đề để Viettel tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các dòng sản phẩm viễn thông công nghệ cao, sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, chỉ cần nhìn vào mức lương mà Viettel đã trả cho một chuyên gia thiết kế đã từng làm việc cho Motorola với giá khoảng hơn 300 triệu đồng một tháng cũng đủ thấy quyết tâm và tham vọng của Viettel như thế nào khi tham gia vào thị trường điện thoại thương hiệu Việt.
So với các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt khác, Viettel có thuận lợi hơn khi tiêu thụ sản phẩm này bởi là nhà cung cấp dịch vụ di động không chỉ trong và ngoài nước nên Viettel cũng đang có những kế hoạch cung cấp điện thoại cùng với những gói dịch vụ di động của mình.
Đối mặt với dư luận
Mặc dù ngày càng có nhiều sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt được cung cấp ra thị trường. Song, điện thoại thương hiệu Việt cũng đang phải đối mặt với khá nhiều điều tiếng như: nhái, gọi là thương hiệu Việt nhưng thuê Trung Quốc sản xuất rồi gắn nhãn …
Trước thông tin sản phẩm F99 mới ra mắt nhái sản phẩm của một thương hiệu điện thoại đang thịnh hành, ông Bùi Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT cho biết về quy trình sản xuất điện thoại F99 như sau: nghiên cứu nhu cầu của khách hàng để làm cơ sở để phát triển sản phẩm phù hợp.
Trên nền tảng sản phẩm phần mềm đã có và đã tạo ra hình hài sơ bộ của chiếc điện thoại, FPT đã thuê Trung Quốc sản xuất phần cứng. Còn hệ điều hành và thiết kế mẫu mã của F99 do FPT hợp tác với công ty MTK (Đài Loan).
“Nếu muốn tạo ra sản phẩm cho khách hàng dễ sử dụng thì tốt nhất hãy đi theo xu hướng chung và không làm thay đổi thói quen của người dùng. Để đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng thì hãy nghiên cứu sửa đổi các tiện ích sẵn có và tích hợp vào sản phẩm", ông Khánh nói.
"Khi mình chưa tự thiết kế được thì việc đi học hỏi thế giới không có gì là xấu. Vừa làm vừa học hỏi, nghiên cứu sáng tạo và phát triển sản phẩm của riêng mình. Như thế mới rút ngắn được khoảng cách công nghệ cũng như kỹ năng, kinh nghiệm với thế giới”.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để Việt Nam sản xuất từ đầu đến cuối một sản phẩm điện thoại di động là rất khó khăn vì chưa có đủ nguồn nhân lực, kinh nghiệm và trang thiết bị hạ tầng cơ sở. Nếu đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam thì chi phí giá thành rất lớn dẫn đến việc giá thành sản phẩm sẽ cao. Vì vậy một số thương hiệu điện thoại Việt đã chọn sản xuất tại Trung Quốc - công xưởng của thế giới - để giảm chi phí đầu vào.
Để sản xuất được điện thoại trong nước thì các doanh nghiệp cần phải có thêm thời gian chuẩn bị. Trong khi chuẩn bị, có thể chọn các nhà máy lớn để sản xuất phần cứng.
“Hiện không có công ty nào trên thế giới làm toàn bộ từ đầu đến cuối. Người ta chỉ thiết kế ra phần lõi, mẫu mã, phần mềm của sản phẩm, còn phần cứng người ta sẽ hợp tác với các đối tác bên ngoài để sản xuất. Đây sẽ là con đường ngắn nhất để có thể xây dựng những thương hiệu điện thoại Việt đích thực,” ông Khánh cho biết.
Cũng đi thuê nước ngoài sản xuất, ông Minh cho biết, ABTel hiện chưa đi vào nghiên cứu phát triển mà chỉ tập trung thiết kế, tích hợp công nghệ vào sản phẩm, thuê nước ngoài sản xuất sau đó đem về bán ở thị trường trong nước.
Các công đoạn này chiếm khoảng 70% giá trị của chiếc điện thoại di động. Hiện hãng đang xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ở Đà Nẵng và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong vài tháng tới. Trung tâm này là nơi tích hợp và quản lý các dự án thiết kế điện thoại di động, phát triển các ứng dụng trên các nền tảng di động.
Mặc dù dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về sản phẩm diện thoại thương hiệu Việt, nhưng trên thực tế các sản phẩm này vẫn đang dần có chỗ đứng trên thị trường.
Để có những thương hiệu điện thoại di động Việt lớn mạnh và vươn ra toàn cầu, các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần có hành động thiết thực, như miễn thuế thu nhập với các lao động chất lượng cao từ nước ngoài để thu hút chất xám; xem xét lại chính sách cho sản phẩm “Made by Vietnam” thay cho yêu cầu sản phẩm “Made in Việt Nam” như truyền thống.
Q-Mobile hiện là sản phẩm 100% của ABTel, nhưng khi làm thủ tục hải quan để đưa về Việt Nam vẫn bị nghi ngờ không phải là hàng Việt Nam.