Triển lãm điện tử tiêu dùng quốc tế (CES 2011) đã chính thức mở cửa đêm qua tại Las Vegas (Mỹ). Theo quan sát của giới công nghệ, điểm nóng nhất trong ngày đầu tiên tại cuộc trình diễn công nghệ này là sự "đổ bộ" của các chiến binh máy tính bảng.
Máy tính bảng hiện diện ở rất nhiều gian hàng của các hãng công nghệ nổi tiếng, như Asus, Toshiba, Lenovo hay Motorola... Mặc dù kiểu dáng thiết kế và cấu hình của mỗi sản phẩm có sự khác biệt, nhưng tất cả đều có chung một mục đích, cố gắng vượt qua đối thủ nặng ký iPad của Apple.
Với mục đích như vậy, các máy tính bảng ra mắt lần này phần lớn đều có cấu hình mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu công việc mà còn thỏa mãn tính năng giải trí của người tiêu dùng. Chẳng hạn, mẫu BlackBerry PlayBook sử dụng chip Dual-Core Cortex A9, Lenovo LePad với vi xử lý Qualcomm 1.3GHz Snapdragon...
Việc trang bị các bộ vi xử lý đa nhân, tốc độ cao, các sản phẩm máy tính bảng mới hứa hẹn cho phép người dùng chạy được cả những ứng dụng vốn là đất riêng của các notebook khủng, như game 3D, phim HD... Từ đó, xóa mờ ranh giới giữa máy tính bảng và notebook.
Ngoài ra, hệ điều hành Android 3.0 Honeycomb, bàn phím cứng, trang bị bổ sung chân đứng để khi kết hợp có thể biến máy tính bảng thành notebook thông thường... cũng là những điểm mạnh của các dòng sản phẩm mới.
Dưới đây là một vài "gương mặt" máy tính bảng tiêu biểu cho các xu hướng này tại CES 2011:
Motorola Xoom và LG G-Slate
Máy tính bảng của Motorola nặng 726g, kích thước 25 x 17 x 1,3 cm. Màn hình rộng 10,1 inch, độ phân giải 1.280 x 800 pixel. Motorola Xoom sử dụng nền tảng Tegra 2, RAM 1GB. Hệ điều hành Android Honeycomb. Hỗ trợ Bluetooth, Wifi 802.11n, 3G sẽ nâng cấp lên 4G trong quý II/2011.
Phía sau của máy trang bị camera 5 megapixel với đèn flash hỗ trợ quay video 720p. Vi xử lý 1 GHz hỗ trợ trình diễn tốt video Full HD 1080p chất lượng cao. Người sử dụng có thể upload video và ảnh lên Youtube, Picasa, Facebook. Mặt trước của máy còn có một camera 2 megapixel. Pin 10 tiếng, nếu xem video liên tục. Dung lượng bộ nhớ trong 32GB, khe cắm thẻ microSD.
LG cũng cho ra mắt chiếc máy tính bảng riêng của mình với tên gọi G-Slate. Tương tự Motorola Xoom, G-Slate sử dụng hệ điều hành Android 3.0. LG không cho biết cấu hình chi tiết sản phẩm này, mà chỉ nói rằng nó gần giống Xoom.
Samsung Sliding PC7 - đối thủ của cả notebook
Mẫu máy tính bảng này sử dụng hệ điều hành Windows 7, trang bị màn hình cảm ứng và đặc biệt là có thêm một bàn phím trượt ngang dạng QWERTY. Sliding PC7 không chỉ được trông đợi là đối thủ của iPad trên thị trường máy tính bảng, mà còn được trông đợi sẽ là một sản phẩm đáng gờm trên thị trường… notebook.
Sản phẩm được trang bị màn hình 10,1 inch đa chạm, với độ phân giải theo chuẩn HD (1366 x 768). Samsung hy vọng với kích cỡ màn hình này, người xem có thể thưởng thức những bộ phim với chất lượng tốt nhất, hoặc để giúp các doanh nhân trình diễn nội dung trước khách hàng thuận tiện hơn.
Sliding PC7 có cấu hình bao gồm vi xử lý Intel Oak Trail Z670 tốc độ 1,66 GHz, RAM 2GB và ổ cứng dung lượng 32 hoặc 64 GB. Máy được trang bị nhiều phần mềm phù hợp với màn hình cảm ứng thông qua kho ứng dụng Samsung App Manager hoặc Windows Product Scout của Microsoft.
"Biến hóa" như Lenovo LePad
Lenovo chọn sân khấu CES 2011 là nơi chính thức ra mắt bộ đôi LePad và U1 Hybrid. Trong đó, LePad là mẫu máy tính bảng chạy hệ điều hành Android của Google, còn U1 Hybrid là bàn phím cứng có tích hợp 1 hệ thống máy tính hoàn chỉnh với hệ điều hành Windows 7.
Khi gắn LePad với U1 Hybrid bạn sẽ có 1 chiếc máy tính xách tay nhỏ chạy hệ điều hành Windows 7 chứ không phải Android – đây chính là điểm hút khách mới lạ của mẫu máy tính bảng của Lenovo.
LePad được trang bị màn hình cảm ứng điện dung đa điểm kích thước 10,1 inch, độ phân giải 1.280 x 800 pixel, vi xử lý Snapdragon 1,3 GHz, chạy trên nền tảng Android Froyo 2.2. Bộ nhớ trong của LePad có tùy chọn 16 hoặc 32GB, RAM 1GB, có hỗ trợ kết nối Wi-Fi, Bluetooth, 3G. Phía trước của LePad là một camera 2megapixel.
(Theo Vneconomy)