Các nhà phân phối máy tính xách tay tại Việt Nam đang “đau đầu” vì lượng hàng tồn ngày càng gia tăng, trong khi lượng hàng bán ra đang giảm theo từng tháng. Người tiêu dùng có thể chờ giảm giá thêm.
Cần tham khảo giá từ nhiều kênh bán lẻ trước khi quyết định mua máy tính xách tay. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Giá máy tính xách tay hiện đang được giảm với tốc độ “chóng mặt”.
Giá đang giảm nhanh
Cuối năm 2009, muốn mua một cấu hình Core 2 Duo của những thương hiệu lớn như HP, Acer… phải có 12 triệu đồng thì nay chỉ cần 9,9 triệu đồng. Khi mới ra, dòng slim với những mẫu mã như X340, X460, X430… của MSI có giá trên 12 triệu đồng thì nay chỉ còn 9,9 triệu đồng. Nhiều showroom của các nhà phân phối, vài chục mẫu mã hàng tồn được rao giảm từ 10 – 20% so với giá ban đầu, có những chiếc dùng để trưng bày vài tháng được giảm giá từ 35 – 50%. Nhiều hệ thống bán lẻ, được sự giúp sức của các nhà phân phối và sản xuất, đã và đang có những chương trình giảm giá từ 300.000 đồng cho đến 3 triệu đồng/máy, tặng thêm USB dung lượng lớn, phiếu bảo hiểm máy tính, thẻ cào điện thoại di động, chuột máy tính, điện thoại di động kèm theo SIM…
Nhiều nhà bán lẻ tiết lộ, sẽ còn nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn hiện nay vì lượng hàng còn nhiều cũng như đang đối phó với sức ép từ một cuộc “cách mạng nho nhỏ” về kiểu dáng và công nghệ của những máy tính xách tay mới. Ông Huy Toàn, trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm của Digiworld cho biết, từ nay cho đến tháng 6 các hãng sản xuất sẽ tung nhiều mẫu mã có thiết kế mới, kèm theo CPU thế hệ mới nhất là Core i3, i5 với giá không quá chênh lệch so với các dòng xử lý cũ trước đây…
Bán hàng chậm dần
Các chuyên gia ngành hàng máy tính dự báo dòng sản phẩm máy tính xách tay sẽ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ khoảng 30% trong năm 2010. Qua thực tế kinh doanh từ đầu năm tới nay, các nhà phân phối, bán lẻ cho rằng, dự báo đã khác xa với thực tế!
Bà Tô Hồng Trang (Digiworld) nhận xét năm ngoái, dù dự báo khó khăn nhưng quý 1/2009 lại bán được hàng. Còn năm nay, không ít thông tin lạc quan nhưng bán hàng lại không như mong muốn.
Không tiết lộ số liệu bán ra trong các tháng đầu năm 2010 vì số liệu này được cho là bí mật kinh doanh, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách ngành hàng máy tính xách tay của hệ thống bán lẻ Thế giới Di động xác nhận: tốc độ bán của nhóm hàng này đang “chậm dần đều”. “Tháng 3 có số lượng bán ra ở mức chấp nhận được nhưng sang tháng 4 bắt đầu chậm thấy rõ. Từ tháng 5 đến tháng 7 có thể sẽ chậm hơn nữa. Hy vọng tháng 8 sẽ bán được hàng vì năm học mới chuẩn bị bắt đầu”, bà Thương phân tích.
Còn ông Trần Tuấn Hào, phụ trách ngành hàng máy tính xách tay của Viễn Thông A xác nhận: tháng 1 và 2 sức mua thấp, tháng 3 và 4 có “phục hồi” nhưng vẫn chưa như ý.
Ông Nguyễn Phương Huy, giám đốc chi nhánh TP.HCM của FPT Retail cho rằng, thị trường máy tính xách tay từ đầu năm chưa có sóng như hai năm 2008 và 2009. “Có lẽ mức tăng trưởng nhóm hàng này trong năm 2010 sẽ không như giới chuyên gia dự báo”, ông Huy nói.
Ông Lê Hoàng Lân, phụ trách cửa hàng 247 Lý Thường Kiệt (Q.11, TP.HCM) của Bách Khoa Computer cho biết: có ngày bán được 20 chiếc nhưng nhìn chung, sức mua chưa thấy tăng. “Chúng tôi đang tìm cách để bán được hàng. Nhưng khó đấy. Đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hệ thống bán lẻ”, ông Lân nói.
Theo số liệu từ trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương), số lượng nhập khẩu máy tính xách tay trong năm 2009 khoảng 630.000 máy. Không kể lượng hàng tồn từ năm 2009 chuyển sang, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2010, lượng máy tính xách tay nhập vào thị trường Việt Nam ước chừng 200.000 chiếc. Qua số liệu mà Sài Gòn Tiếp Thị có được, lượng máy tính xách tay nhập trong khoảng thời gian nêu trên là lớn nhất từ khi Việt Nam hình thành thị trường sản phẩm công nghệ thông tin. |
Phong Vũ và Hoanlong Computer là những địa chỉ quen thuộc của dân mua máy tính xách tay nhưng theo quan sát của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, những địa chỉ trên chỉ đông khách xem và mua vào những lúc có chương trình khuyến mãi, nhưng số liệu hàng bán hàng không được tiết lộ.
Hàng tồn… chuyện khó nói!
Nhiều nhà bán lẻ và nhà phân phối đã xác nhận: năm nay là năm máy tính xách tay có lượng tồn lớn nhất. Một nhà phân phối có doanh số nhập khẩu lớn tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết: nhiều hãng nghiên cứu thị trường cứ lấy mức tăng trưởng thị trường Việt Nam trong những năm qua xây dựng kế hoạch năm 2010 nên các hãng sản xuất đã buộc các nhà phân phối nhận hàng với số lượng lớn hơn năm ngoái. Nhà phân phối này cho biết, họ đã từ chối nhiều lô hàng vì sợ ôm hàng. Sau đó, các hãng sản xuất quay sang “ve vãn” cho các nhà phân phối khác với giá ưu đãi. Nhiều bài học lấy hàng có thưởng đã làm chúng tôi điêu đứng nên thà không có thưởng còn hơn ôm hàng”, nhà phân phối này kể. Tuy vậy, nhà phân phối này đã xác nhận còn lượng hàng tồn khá nhiều, có nhiều mẫu phải chấp nhận lỗ để đẩy hết hàng.
Bà Thương của Thế giới Di động cho biết, hiện các nhà phân phối đang chào giá rất hấp dẫn nhưng Thế giới Di động chỉ lấy những mẫu mã bán chạy. Còn theo ông Hào, vì lượng hàng tồn còn nhiều nên các nhà phân phối đang “ve vãn” các nhà bán lẻ với giá cả “hết sức cạnh tranh”.
(Theo Gia Vinh // SGTT Online)