"Dế xịn" mới sạc pin, chưa dùng đã hỏng. Tivi Plasma 42 inch cũng lâm trọng bệnh chỉ sau 5 ngày sử dụng. Cuộc trường chinh bảo hành khiến người mua kiệt sức và sản phẩm tưởng chất lượng "ngon" thành "trái đắng" với người dùng.
"Dế xịn", tivi hàng hiệu "chết non"
Điện thoại Samsung SGH D900i (Ảnh C.Thanh) |
Phản ánh tới Chuyên mục Bảo vệ Người tiêu dùng về chiếc điện thoại Samsung SGH D900i vừa mua, chị Hà Đỗ Thủy ở phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: khi mang máy về nhà, chị đã cắm sạc pin cho máy và để qua đêm theo đúng hướng dẫn "Sạc pin lần đầu đủ 8 tiếng" của nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, khi rút sạc ra, chị phát hiện chiếc điện thoại nóng rẫy, để một lúc sau vẫn nóng như vừa có cuộc gọi đi. Chị Thuỷ không dám dùng nữa và đến 11h30, chị kiểm tra thì thấy máy đã tự động tắt nguồn.
2 ngày sau, chị Thuỷ sạc pin lại để kiểm tra và hiện tượng nóng và tự động tắt nguồn vẫn xảy ra.
Sau khi kiểm tra chiếc điện thoại của chị Thuỷ, nhân viên bảo hành của cửa hàng 92 phố Hai Bà Trưng (nơi chị Thuỷ mua chiếc điện thoại nói trên) báo rằng máy của chị "Có lỗi nhỏ, điện thoại bị tiêu pin nhẹ" và đề nghị để máy lại để bảo hành. 3 ngày sau, có một người tự xưng tên Trần Quang Vinh - Thợ sửa điện thoại gọi điện tới báo "Chiếc Samsung SGH D900i bị lỗi main nhưng đã được sửa chữa" và mời chị Thuỷ tới nhận máy về.
Tuy nhiên, chị Thuỷ đã từ chối nhận lại chiếc điện thoại bị lỗi nói trên và yêu cầu cửa hàng đổi máy mới với lý do "Máy chưa dùng để nghe - gọi một giây nào". Thế nhưng cửa hàng này khẳng định "Không chấp nhận đổi máy mới trong mọi trường hợp".
Một khách hàng khác, anh Nguyễn Đăng Khoa (quận 10, TP.HCM) cũng vừa mua phải hàng Samsung "đoản thọ" và mỏi mòn chờ bảo hành như chị Thuỷ. Chiếc tivi Plasma 42 ich nhãn hiệu Samsung mà anh Khoa mua tại Trung tâm điện máy Ideas có hạn bảo hành 2 năm nhưng chỉ dùng được 5 ngày đã mất hình. Sau khi vất vả liên lạc với nơi bán là Trung tâm điện máy Ideas và Công ty Tứ Nguyên (Trung tâm bảo hành Samsung ở TP.HCM), anh Khoa cũng được một nhân viên kỹ thuật Ideas "phán" rằng chiếc tivi bị hư board nguồn.
Trung tâm bảo hành Samsung ở TP.HCM. |
Chiếc tivi cuối cùng cũng được nhân viên kỹ thuật của Công ty Tứ Nguyên thay board, tuy nhiên linh kiện này lại hỏng ngay, nên lại được đưa đi để đổi linh kiện.
Sau 12 ngày chờ đợi, anh Khoa cạn kiệt hy vọng, bởi cả siêu thị bán hàng lẫn công ty bảo hành sản phẩm của Samsung đều không thể đưa ra mốc thời gian trả lại anh chiếc tivi vắn số.
Hứa cứ hứa, mặc chờ cứ chờ
Trả lời VietNamNet về khiếu nại của khách hàng Nguyễn Đăng Khoa, đại diện Công ty bảo hành Samsung Tứ Nguyên, ông Nguyễn Hoàng Phong cho biết: theo quy định của Samsung thì thời hạn bảo hành sản phẩm bị lỗi tối đa là 7 ngày. Trong thời gian bảo hành nếu như khách hàng có yêu cầu sử dụng thì công ty sẽ có sản phẩm khác thay thế sử dụng tạm thời. Còn tivi của khách hàng Khoa do sử dụng quá 1 ngày theo quy định (5 ngày) thì chỉ có thể bảo hành. Và thời gian bảo hành kéo dài là do phải chờ linh kiện thay thế từ nhà sản xuất chuyển về.
Tin nhắn của chị Thủy khẳng định chưa biết chuyện được đổi chiếc điện thoại Samsung lỗi (Ảnh C.Thanh) |
Nhận lại chiếc tivi bị “ngâm” trong Trung tâm bảo hành, anh Khoa như con chim đậu cành cong, trở nên sợ hàng hiệu và ngại mua loại hàng này tại Trung tâm điện máy Ideas.
Được nhận lại hàng bảo hành còn may, khách hàng Hà Đỗ Thuỷ sau hơn nửa tháng chờ đợi, đến thời điểm này chưa được nhận lại chiếc điện thoại lỗi chưa biết bao giờ mới có thể "ra viện", dù Công ty TNHH điện tử Samsung Vina đã có công văn trả lời báo VietNamNet rằng "Chúng tôi đã quyết định đổi điện thoại mới cho khách hàng Thủy.
"Chúng tôi đã thông báo đến khách hàng Thủy và khách hàng đã rất hài lòng về hướng giải quyết của công ty chúng tôi" - công văn viết.
Công văn này thừa nhận chiếc điện thoại nhanh hết pin là do IC công suất bị hỏng.
Hiện tại chị Hà Đỗ Thủy vẫn chưa có điện thoại để dùng; chị lo lời hứa của Samsung Vina có thể khó thành hiện thực.
Điều 16: Trách nhiệm bảo hành |
1. Thương nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp theo thỏa thuận hoặc theo các quy định của pháp luật có liên quan. 2. Khi thực hiện nghĩa vụ bảo hành, thương nhân phải có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. 3. Thời gian thực hiện bảo hành không được tính vào thời hạn bảo hành. Trong trường hợp thương nhân thay thế linh kiện hoặc đổi sản phẩm mới cho người tiêu dùng thì thời hạn bảo hành của linh kiện hoặc sản phẩm đó sẽ được tính lại từ đầu. 4. Trong thời gian thực hiện bảo hành, thương nhân có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để người tiêu dùng sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận. 5. Khi hết thời gian thực hiện bảo hành, thương nhân không sửa chữa hoặc khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng. 6. Trường hợp thương nhân đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện quá ba lần trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng. 7. Thương nhân phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng. 8. Trường hợp thương nhân ủy quyền cho thương nhân khác thực hiện việc bảo hành thì thương nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. CHƯƠNG IV: BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG HÀNG HÓA, DỊCH VỤ, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng) |
(Theo Vietnamnet)