Chơi Vespa cổ đã không còn là chuyện lạ. Ngày nay, dân chơi xe Đà Nẵng bỏ công tìm kiếm những chiếc xe đạp máy từ thập niên 30 của thế kỷ trước.
Muốn đi được xe cổ, phải biết pha xăng với nhớt với dung lượng thích hợp, chưa kể muốn tậu được một “nàng” phải không quản khó nhọc đi nài nỉ người bán, rồi bở hơi tai tìm thợ, phụ tùng... Đỏng đảnh vậy, nhưng các “nàng” vẫn cứ là “vợ cưng” của mấy anh chàng hễ nghe đến xe cổ là sáng mắt!
3 tháng mới làm xong chiếc xe
| |
| Xe cổ trên đường phố Hội An.Ảnh: HẰNG VANG |
Theo ước tính của dân chơi xe, cánh thợ “chịu” sửa xe cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tiền công cán không bao nhiêu, mà sửa xe này thiệt cực, nhiều thợ không quen tay, không dám đụng vô”, anh Lê Văn Tuấn (tổ 35 Thanh Khê Tây, Thanh Khê), đang sở hữu chiếc Gobel của Đức được sản xuất từ những năm 30 giải thích. Là thợ sửa xe, anh biết cách “chữa bệnh” luôn cho chiếc xế nhà mình, và trở thành tay thợ sửa xe cổ hiếm hoi ở đất Đà Nẵng.
Anh Phạm Quang Phương (nhân viên Công ty Tin học thuộc Viễn thông Đà Nẵng) còn nhớ rõ, phải 3 tháng trời vào ra Sài Gòn, tìm kiếm phụ tùng khắp nơi, nhờ thợ này, thợ kia lắp ráp mới “dựng” được chiếc Mobylette đời 1959. Kiếm thợ, kiếm phụ tùng khó quá, nên theo anh Phương, nhiều người mua xác xe 2 năm rồi, xe vẫn chưa thể “lên” và mãi bị trùm mền trong góc nhà.
“Đời chơi xe cổ rất khổ! Hễ nghe hóc, xó nào có chiếc xe cổ, là khăn gói đến tận nơi, cố làm sao rinh “cô nàng” về cho bằng được”, anh chia sẻ. Nhưng phải chịu cực vậy, và lắm lúc phải dám chịu chơi bỏ ra số tiền lớn để đem về một xác xe cà khổ, rồi mất công chỉnh sửa tới lui, để đưa xe ra chạy đàng hoàng ngoài phố, mới được coi là tay chơi xe đúng điệu.
“Vợ hai” đỏng đảnh
| |
Anh Phạm Quang Phương (người thứ 2 từ trái sang) với chiếc Mobylette đời 1959 của mình cùng các chiến hữu tại Hội An. | |
Nhiều người chơi xe ví xe cổ như “cô vợ thứ hai”, đỏng đà đỏng đảnh, vui thì chạy ngon trớn, buồn buồn thì tắc tị, để mấy anh chàng lau, sửa, dỗ dành mãi mới thôi. Trong giới chơi xe sành điệu của Đà Nẵng, có thể nói, người “cực” nhất là anh Chế Giang Sơn, hiện đang là nhân viên kinh doanh Công ty Thuận Thiên, cư ngụ trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, bởi anh có tới 5 “cô vợ” yêu kiều: Vilo Solex (đời 1957), Vespa Standard (đời 1958), Suzuki M30 (đời 1963), Pro (đời 1974), và “oách” hơn cả là chú bọ - ô-tô Volkswagen đời 1962.
“Vợ lẻ” sớm nắng chiều mưa, nên anh Sơn phải thay phiên nhau chăm bẵm cho từng “cô”, “chăm không khéo các cô ấy lại ghen tị”, anh Sơn đùa tếu. Anh nói: “Vì tôi mải mê với xe, vợ tôi dù có thông cảm đến mấy cũng không khỏi phiền lòng”. Nhiều khi xe mới thì đi về lại để đó, họa hoằn lắm, hai ba tháng mới mang đi rửa, vô dầu mỡ. Nhưng xe cổ được chủ nhân đem ra bôi dầu láng ngày một, cứ đôi ba ngày lại ngó nghía coi chỗ nào hỏng hóc, chỗ nào bụi bặm...
Thà bán nhà, chứ không bán xe!
| |
| Anh Lê Văn Tuấn rất tự hào vì mình sở hữu chiếc Gobel cổ (sản xuất ở Đức từ thập niên 30 của thế kỷ trước) với hầu hết các bộ phận còn “zin”. |
Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Tuấn. Yêu xe, quý xe tới cỡ đó, tất nhiên chuyện bán xe, đối với tay chơi thực thụ, gần như không bao giờ xảy ra. Họ chỉ để lại xe cho những người bạn bè thân thiết, hoặc một ai đó có duyên chiếm được cảm tình của chủ nhân. Họ gọi việc chuyển nhượng này là chia sẻ, với giá rất mềm, trong khi chiếc xe đó nếu đem ra thị trường phải có giá gấp 3-4 lần.
Xe cổ còn được trân trọng bởi nó gắn liền với những kỷ niệm. Đối với anh Tuấn, chiếc Gobel là kỷ vật ngày cưới của cha mẹ anh, và theo anh mải miết hai chục năm trời. Từ năm 2000, đã có người theo anh khẩn khoản đòi mua lại xe với giá 1.300 USD, anh vẫn lắc đầu từ chối.
Chiếc Mobylette của anh Phương lại là kỷ vật của người đã bán nó cho anh. Người chủ cũ ấy là một ông lão, để anh phải tới lui năn nỉ mấy bận mới thuận lòng bán. Trân trọng kỷ vật của ông lão và như nhận một lời ký gửi, anh vẫn giữ chiếc xe bên mình, dẫu có hàng chục người cứ chạy theo anh hỏi “Xe này anh bán bao nhiêu, tôi mua?”.
Còn anh Sơn lại cho rằng: “Nếu buôn xe cổ, tôi đã giàu to”. Dù đã sở hữu tới 5 chiếc xế cổ, anh Sơn vẫn muốn lùng thêm những con xế độc. Anh Phương vẫn cố tìm thêm chiếc Mobylette “cá xám” trước đời xe “cá xanh” hiện nay của anh. Riêng anh Tuấn vẫn tiếc rẻ, bởi anh không tài nào lay chuyển được một người ở quận Liên Chiểu bán lại chiếc Gobel cổ mà người này đang sở hữu.
Mê xế cổ đến mức “nằm mơ thấy nó” không phải là chuyện lạ. Mặc cho bà con lối xóm cười vào mũi “Thằng đó khùng!” khi thấy mấy anh chàng dẫn xe ra đạp máy xì khói, họ vẫn cứ hãnh diện vòng xe qua các nẻo phố, và vui vui vì chốc chốc lại có người chỉ trỏ, xuýt xoa.