Đó là nói về chuyện mong muốn và kỳ vọng của hầu hết người dân khi được mua xe ôtô với giá phù hợp, nghĩa là thấp hơn nhiều so với giá đang bán của xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu, xe thương mại hay xe du lịch.
Bối cảnh nào cũng lãi
Dù liên tục kêu khó khăn, lúc nào cũng nói chính sách phải thế này, phải thế nọ... thì ngành công nghiệp ôtô VN mới phát triển, người tiêu dùng mới được mua xe giá phù hợp, rẻ, nhưng một thực tế là trong khoảng 5-7 năm trở lại đây chưa có một DN ôtô nào, kể cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước kêu thua lỗ, kể cả trong thời điểm khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Họ vẫn lãi. Không những lãi mà còn lãi lớn. Đã có những DN ôtô trong vài năm vừa qua chia cổ tức tới 100%, thấp nhất cũng 40%. Ngoài ra, còn hàng loạt ưu đãi khác cho cổ đông... Nói chung, mức lãi của các DN ôtô đều rất lớn. Một thể hiện khác về lãi là tốc độ bán hàng. Dù không phải là những mẫu xe tên tuổi, những mẫu xe độc, danh giá nhưng một nghịch lý thường xuyên tồn tại là khách hàng phải xếp hàng đợi, thậm chí chờ đợi rất lâu mới mua được xe. Điều này đồng nghĩa với việc các DN đã sản xuất không kịp để bán (Cung lớn hơn cầu). Như vậy thì DN không còn gì sướng bằng, không lãi lớn mới là chuyện lạ.
Một minh chứng rõ nét nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm 2009, khi ngành ôtô thế giới điêu đứng thì các DN ôtô VN vẫn “bội thu”, lượng xe bán ra cả lắp ráp lẫn nhập khẩu vẫn tăng mạnh, đạt số lượng bán ra lớn nhất từ trước đến nay. Điều đáng quan tâm, mà thực ra là được quan tâm từ lâu, rất lâu rồi là giá xe trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chỉ thấy tăng là chủ yếu, nếu có giảm thì không nhằm nhò gì, giảm nhưng DN vẫn lãi lớn chứ không mất gì (Giảm do thuế giảm chứ DN không tiết giảm chi phí để giảm giá). Theo nhận định của hàng loạt chuyên gia thì một ngành ôtô, một thị trường ôtô nếu muốn phát triển phải cân bằng tốt ba quyền lợi chính: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thị trường và ngành ôtô VN đang thiếu đi sự cân bằng về quyền lợi này. Doanh nghiệp luôn có lợi lớn nhất. Nhà nước thì chủ yếu cân bằng (Khi thuế tăng, bán ít xe thì thuế thu vào ít. Ngược lại khi thuế giảm, bán được nhiều xe thì thuế thu nhiều hơn, nhưng không biết có bù đủ cho việc giảm thuế hay không?). Thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng, nhất là khi nhìn lại mới giật mình thấy rằng giá xe bao nhiêu năm nay vẫn chỉ thấy tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Chuyện một chiếc xe Zace, Matiz, Vios, Innova... chạy bao nhiêu năm rồi bán vẫn không lỗ là thực tế đang tồn tại trên thị trường ôtô VN. Chả có thị trường nào như vậy cả.
Vẫn chỉ là kỳ vọng
Thực tế đã có nhiều lúc khách hàng ôtô VN kỳ vọng rất lớn vào việc giá xe sẽ hạ xuống mức phù hợp hơn. Đầu tiên phải kể đến việc cho phép nhập khẩu xe cũ cách đây 4 -5 năm. Ai cũng háo hức, cũng nghĩ rằng giá xe sẽ hạ, cả mới lẫn cũ. Suy nghĩ đó xuất phát từ hoàn cảnh thị trường và tâm lý thời điểm đó rằng các DN trong nước cho ra đời quá ít mẫu xe; nhiều loại xe cũ nhập khẩu còn tốt hơn xe mới lắp ráp trong nước... Các liên doanh, các nhà lắp ráp ôtô trong nước hoảng hốt, phản đối kịch liệt. Nhưng may mắn cho họ là cuối cùng xe cũ vẫn được nhập khẩu nhưng với mức thuế nhập khẩu và những quy định chặt chẽ thì xe cũ nhập khẩu sẽ không thể cạnh tranh được với xe trong nước. May mắn cho các DN lắp ráp thì lại thất vọng với người tiêu dùng.
Hết hi vọng về xe cũ, người tiêu dùng lại kỳ vọng vào xe mới nhập khẩu, nhất là khi VN gia nhập WTO. Lần này sự kỳ vọng lớn hơn, vì đã có những lức thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm xuống rất thấp, ở mức đủ sức cạnh tranh tương đối với xe lắp ráp trong nước. Giá xe vào những thời điểm đó có xuống đôi chút do sự cạnh tranh quyết liệt giữa xe nhập và xe lắp ráp. (Nhưng vẫn còn rất cao so với khu vực và thế giới). Các DN lắp ráp trong nước lại tiếp tục lo lắng, tiếp tục phản ứng mạnh mẽ (nhưng tổng kết vẫn lãi). Nhiều người nghĩ với đà này thì kỳ vọng mua xe với giá phù hợp chắc chắn sẽ đạt trong thời gian gần. Nhưng, họ lại thất vọng khi một thời gian ngắn sau, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc lại tăng, tăng và dừng ở mức hiện nay (83% và mới có sự điều chỉnh một số chủng loại ở mức 80% và 77%). Được đà này, giá xe và số lượng bán hàng lại tiếp tục tăng. Người tiêu dùng có nhu cầu thì phải mua, không chờ được.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)