Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trả giá vì thói quen xấu sử dụng xe máy

Có không ít người có thâm niên ngồi trên xe máy đến hơn 20 năm, đổi rất nhiều đời xe, nhưng kinh nghiệm sử dụng xe sao cho tốt, an toàn thì chưa hẳn đã nắm bắt được.

Hắt hủi xe

Hàng chục năm nay, chiếc xe máy đã trở nên thân thiết với người Việt Nam. Ngày ngày hàng chục triệu người vẫn cùng những chiếc xe máy lăn bánh khắp các ngả đường. Có không ít người có thâm niên ngồi trên xe máy đến hơn 20 năm, đổi rất nhiều đời xe, nhưng để nói về kinh nghiệm sử dụng xe sao cho tốt, sao cho an toàn thì chưa hẳn đã nắm bắt được.

Các kỹ sư chế tạo máy có nhận xét chung về thói quen sử dụng xe của người Việt Nam là: xe máy là phương tiện giao thông hoạt động khá ổn định, ít hỏng hóc, chi phí bảo hành, bảo dưỡng thấp, phụ tùng dễ thay thế, nhiên liệu dễ mua... chính vì vậy nhiều người tiêu dùng quá tin tưởng vào nó, bỏ mặc, đi hàng năm mà không hề chăm sóc, bảo dưỡng đúng quy định. Chỉ khi nào xe hỏng nặng không chạy được mới tính đến chuyện mang đến các cửa hàng sửa xe thay thế, bảo dưỡng.

Thời gian qua, nhiều xe máy bị cháy đã làm không ít người tiêu dùng lo lắng. Thủ phạm gây ra những vụ cháy xe vẫn chưa rõ do đâu. Để đảm bảo chiếc xe hoạt động tốt, an toàn, các kỹ thuật gia đã có lời khuyên cho những người đang dùng xe máy làm phương tiện đi lại hàng ngày. Mà điều trước hết là xin đừng bỏ rơi và hắt hủi với chính người bạn thân thiết, phương tiện, tài sản và cả một phương thức kiếm sống của cả gia đình.

Tránh xa phụ tùng trôi nổi

Hiện trên thị trường có rất nhiều phụ tùng linh kiện có xuất xứ khác nhau. Phụ tùng chính hãng chỉ có ở các cửa hàng, đại lý phân phối chính hãng. Đây được coi là phụ tùng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua có hoá đơn, thậm chí được bảo hành trong thời gian dài... Thay phụ tùng này vào xe khá yên tâm; tuy nhiên nó có giá cao hơn các phụ tùng cùng loại không chính hãng, xuất hiện phổ biến tại các cửa hàng sửa xe máy tự do mọc lên khắp nơi.

Nhiều người Việt Nam sau khi mua xe, hết thời gian bảo hành thường không quay lại các đại lý chính hãng để thay đồ mà tìm đến các cửa hàng xe máy quen biết, gần nhà mình để sửa chữa và thay đồ.

Tuy nhiên, những cửa hàng này đều do những ông thợ không có chứng chỉ, cửa hàng không tiêu chuẩn dựng lên. Những  phụ tùng ở đây rất ít thứ có nguồn gốc chính hãng mà chủ yếu từ các cơ sở sản xuất khác tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan....

Phần lớn khách cũng chỉ biết nguồn gốc  xuất xứ phụ tùng qua người sửa chữa cung cấp và không biết có chính xác không, nhưng ưu tiên giá rẻ nên đồng ý. Lắp lên xe đi thấy cũng không có khác biệt gì lại càng yên tâm và cho rằng như vậy đã tiết kiệm được chi phí mà không biết rằng những linh kiện trôi nổi này rất có thể sinh chuyện và mục đích tiết kiệm cuối cùng lại gây ra những thiệt hại lớn.

Thay bộ chế hòa khí, bugi, IC  không chính hãng, chất lượng không ổn định dễ dẫn đến xe khó nổ, tốn xăng, nhả khói, xăng thoát ra ngoài... nguy hiểm hơn, nếu bộ phận kết cấu an toàn cho xe mà dính hàng kém chất lượng có thể gây tai nạn nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Các chuyên gia cho rằng trong bộ chế hoà khí xe máy có khá nhiều các gioăng cao su, nếu là đồ chính hãng, cao su này là chất liệu rất bền có khả năng chịu nhiệt cao, chịu được sự phá huỷ của xăng dầu và rất kín, đảm bảo cho hoạt động ổn định của xe. Còn giăng cao su trong bộ chế hoà khí của các nguồn khác rất có thể không đạt tiêu chuẩn do nhà sản xuất quy định, khả năng chịu nhiệt, chịu tác động của xăng dầu kém dẫn đến nhanh hư hại, dễ hở và là nguyên nhân khiến cho xăng có thể thoát ra ngoài gây cháy xe.

Cũng tương tự như vậy là IC nếu sử dụng hàng Trung Quốc thì chất lượng kém và thiếu ổn định làm cho xe khó nổ máy, hay chết máy...

Ở Việt Nam hiện có rất nhiều dạng phụ tùng được làm giả. Một là hàng Việt Nam làm giả Trung Quốc. Hai là các cơ sở tư nhân làm giả phụ tùng của các nhãn hàng chính hiệu. Hiểm họa của việc dùng phụ tùng trôi nổi không chỉ nằm ở chỗ độ bền kém. Chỉ cần một phụ tùng không đồng bộ sẽ dẫn đến việc hỏng hóc của các bộ phận khác trong xe. Ví dụ như sử dụng nước làm mát động cơ kém chất lượng sẽ dẫn đến rỉ sét ở bộ phận làm mát, sau đó có thể gây nóng máy. Cao nhất là dẫn đến việc cháy bộ hơi, đầu bò. Thế là số tiền bỏ ra còn lớn hơn cả số tiền cho phụ tùng chính hãng.

Ngoài ra, người sử dụng sẽ không lường trước được khi nào săm xe sẽ nổ, phanh sẽ bó cứng và xích sẽ đứt, mắc vào bánh hoặc văng ra ngoài... Tất cả những sự cố trên đều là những sự cố có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm. Hệ quả  của việc mua phụ tùng ngoài luồng là xe sẽ hỏng nhanh hơn, hay hỏng vặt. Nghiêm trọng hơn, đó là phải trả giá bằng sự an toàn, thậm chí là tính mạng của người lái xe.

Tại phố Huế, trung tâm bán phụ tùng xe máy của Hà Nội, chỉ cần 15 ngày sau khi có một mẫu xe mới nào xuất hiện trên thị trường Việt Nam thì cũng có ngay phụ tùng Trung Quốc tràn vào cung cấp cho dòng xe này.

Lời khuyên cho những người sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại lại ngày là nên bảo dưỡng xe định kỳ 6 tháng/ lần và nên đến những đại lý chính hãng để thay thế phụ tùng và kiểm tra xe.

Không đấu nối thêm đèn, còi...

PGS.TS Đỗ Trọng Hoan (bộ môn ôtô và xe chuyên dụng Viện Cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết việc đấu nối thêm còi, đèn hay thiết bị không phù hợp vào hệ thống điện của xe cũng có khả năng gây hiện tượng chập điện.

Người tiêu dùng tại Việt Nam thường vô ý can thiệp vào hệ thống điện của xe máy đã làm thay đổi về tính năng an toàn của xe, về mặt điện.

Khi mua  xe máy về,  với nhiều người vấn đề đầu tiên là xem xét hệ thống đèn, còi, chiếu sáng có như ý của mình không. Nếu thấy hệ thống đèn xi nhan khi bật lên không có tiếng tít tít báo hiệu, hay là đèn không đủ độ sáng như ý thích, hoặc muốn có thêm đèn xi nhan khác, còi to hơn, còi báo động... đây chính là vấn đề đáng ngại  nhất.

Với thói quen của người tiêu dùng là đem ra cửa hàng gần nhà yêu cầu thợ sửa xe lắp thêm đèn, thay đổi ắc quy, gắn thêm rơ le... là một trong những nguyên nhân gây ra chập điện trên xe.

Người thợ trong quá trình nối dây không cẩn thận sẽ làm hở các dây điện, gây chập cháy dây điện, cháy xe. Khi lắp thêm đèn, còi đã vô tình phạm tới tính năng chịu tải căn bản của hệ thống điện cơ bản. Lắp như vậy, sẽ làm thay đổi cường độ, công suất dòng điện, hiệu điện thế tiêu chuẩn trên xe, do vậy khi hệ thống được lắp thêm hoạt động quá tải sẽ gây ra sự cố chập, cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Khi lắp thêm bất cứ thiết bị nào vào hệ thống xe, bản thân vật gắn thêm cũng có thể không đủ tiêu chuẩn an toàn, ví dụ như đèn thì dây dẫn không đủ tiết diện, hiệu điện thế trên đó, hoặc rơ le có thể là kém chất lượng... có thể làm tăng dòng đột ngột cũng là một nguy hiểm tiềm tàng cho xe.

Chọn xăng có chất lượng đảm bảo

Vừa qua có nhiều xe dựng trong nhà, không nổ máy mà vẫn cháy. Theo các nhà kỹ thuật thì trường hợp xăng có chứa Methanol ( Không phải là xăng sinh học. Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng và Ethanol) thì khả năng rò rỉ rất cao do Methanol là một chất oxy hóa rất mạnh và làm hư hỏng các chi tiết bằng cao su như kim phao, ống dẫn xăng nên dễ xảy ra cháy nổ.

Các phân tích cho thấy, Methanol là một dung môi có tính Oxy hóa mạnh khi hòa trộn với không khí nó sẽ là một hỗn hợp nổ. Khi xe dựng trong nhà nếu bị rò rỉ xăng có chứa Methanol, khi Methanol thoát ra ngoài môi trường nó sẽ bay hơi dần dần và hòa trộn với không khí xung quanh tạo thành một hỗn hợp cháy nổ.

Do tỉ trọng của hơi Methanol lớn hơn tỉ trọng của không khí nên nó khuếch tán ra khắp nền nhà và nằm sát mặt nền, trên đường lan rộng của hỗn hợp nó có thể gặp bất kì một mồi lửa nào nằm sát mặt nền và ở cách xa nơi dựng xe như nhang đèn thờ cúng, một tàn thuốc lá hay 1 nguồn lửa bất kì thì cũng có thể bắt lửa, tia lửa này lan truyền ngược lại đến nguồn xăng đang rò rỉ và gây cháy cho xe, sau khi gây cháy xong thì nền nhà cũng không còn để lại dấu vết gì.

Hiện tượng này xảy ra trong một thời gian rất ngắn, trong một vài giây nên không gây hại khu vực xung quanh. Hiện tượng gây cháy này trong kỹ thuật gọi là hiện tượng phóng ngược (Flash back). Trường hợp cháy này chỉ có thể xảy ra khi nơi chứa xe không được thông gió. Và đây cũng chính là một thuộc tính đặc trưng của Methanol.

Vì dễ cháy nổ gây chết người nên hiện nay nhiều nước đã cấm pha Methanol vào xăng. Tại châu Âu nồng độ Methanol cho phép trong xăng nhỏ hơn 3% và tại Việt Nam nồng độ Methanol cho phép nhỏ hơn 0,5%.

Ngoài Methanol thì Acetone cũng được cho là nguyên nhân gây cháy xe. Acetone là dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm. Nếu tác động liên tục và ở tốc độ cao (hàm lượng Acetone cao) thì sẽ làm các gioăng này bị hỏng và Acetone rò rỉ ra ngoài. Vì Acetone có tỷ trọng nặng hơn không khí nên bay thấp ở dưới mặt đất. Acetone lại có khả năng bắt cháy cao nên nếu tiếp cận nguồn nhiệt (do động cơ nóng, do các tia lửa điện từ động cơ, do ma sát, do gần các nguồn nhiệt khác từ môi trường...) nên bắt cháy và cháy ngược lại chỗ nguồn rò rỉ dẫn tới cháy nổ.

Các chi tiết của động cơ xăng thông dụng không được chế tạo chống Acetone.  Vì vậy những chi tiết plastic và cao su trong các động cơ này rất nhanh chóng bị phá hủy nếu tỷ lệ Acetone quá cao.

Những chất như Methanol hay Acetone rất dễ được những cửa hàng xăng dầu làm ăn chụp giựt pha vào xăng nhằm giảm giá thành xăng, nhưng rất nguy hiểm cho xe.

 

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng