Đến thời điểm này, NTD VN chỉ biết tự bảo vệ mình là chính và tự chịu trách nhiệm nếu không may sử dụng phải thực phẩm bẩn |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, có một thực tế là cơ quan chuyên trách trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại VN đang chạy theo “đuôi” các công bố của nước ngoài để giải quyết các sự cố về thực phẩm. Đơn cử, hóa chất DEHF, DINP, sữa nhiễm melamine, kẹo phát sáng... đã có mặt tại thị trường VN và nếu không có thông tin cảnh báo từ các nước thì NTD VN vẫn vô tư sử dụng các hóa chất trên mà không hề hay biết.
Phát hiện khi cơ quan nước ngoài lên tiếng
Số liệu từ cục VSATTP cho biết, sau khi đã thu hồi toàn bộ lô hàng thạch rau câu thương hiệu khoai môn nhãn hiệu Taro từ 75 đại lý và 307 siêu thị trên toàn quốc thì Sở y tế TP HCM lại phát hiện thêm 25 sản phẩm khác chứa chất DEHF gây ung thư. Hơn nữa, theo WantChinatimes.com dẫn lại thông tin từ Ming Pao, nhật báo phát hành ở Hong Kong thì tại nước này, cơ quan chức năng đã lấy 10 mẫu mì gói sản xuất tại Trung Quốc và phát hiện 4 mẫu mì chứa chất tạo đục bao gồm, mì bò do siêu thị Welcome Market đặt sản xuất có chứa chất DEHP cao gấp 53 lần mức độ an toàn; Mì gói Shin Ramyun hương vị nấm sản phẩm Hàn Quốc được sản xuất tại Thượng Hải chứa 1,3 phần triệu DEHP; Mì gói Nissin Taisho Yakisoba, sản phẩm Nhật Bản được sản xuất tại Thượng Hải, chứa hàm lượng 2,3 phần triệu DEHP. Điều đáng nói là tất cả các sản phẩm mì này đều được bày bán trên hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng của VN.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc TTTM Intimex cho biết, rõ ràng các nước trong khu vực đã xây dựng được hệ thống chủ động phòng vệ trước những thực phẩm không đảm bảo VSATTP cho NTD trong nước của họ. Trong khi đó, tại VN tất cả các loại thực phẩm, đồ gia dụng có chứa chất độc hại chỉ được phát hiện khi cơ quan nước ngoài lên tiếng. Vậy, hệ thống phòng vệ dùng để phát hiện các thực phẩm bẩn của VN phải chăng đã vô hiệu hay chỉ sinh ra cho có “lệ”- ông Dũng nói.
Thế nhưng, khi hỏi tới trách nhiệm thì không ai tự nhận về mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tất cả lý do đưa ra để bào chữa đều là do lỗi khách quan như, máy móc chưa có, loại hóa chất vừa phát hiện quá mới hoặc lực lượng quá mỏng để “bao sân” tất cả các loại sản phẩm trên thị trường.
Lỡ ăn rồi đành chịu
Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng thuộc bộ Y tế vẫn chưa có đầy đủ danh mục các loại thực phẩm có khả năng chứa chất tạo đục để khuyến cáo người tiêu dùng. |
Ông Lê Hoàng Ninh - Viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng TP HCM cho biết, tình hình sử dụng phẩm màu và chất bảo quản trên thực phẩm tại nước ta rất bừa bãi và vô tội vạ. Trong năm 2010 có tới 93 % mẫu bánh bao, 60% phômai, 55% thực phẩm chay, 33% mì gói và 25% bánh kẹo có sử dụng chất bảo quản vượt mức hoặc không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tất cả những công bố trên mới chỉ mang tính tham khảo và chưa thấy cơ sở nào bị thu hồi hoặc xử phạt.
Còn theo ông Phạm Mạnh Hùng, đến thời điểm này, NTD VN chỉ biết tự bảo vệ mình là chính và tự chịu trách nhiệm nếu không may sử dụng phải thực phẩm bẩn.
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Đặng Thế Phiệt - Văn phòng Luật sư Đặng Văn Cường, nếu lỡ ăn rồi thì NTD cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận vì không thể kiện nhà sản xuất khi chưa có hậu quả xảy ra. Cũng theo ông Cường, nếu có bị ung thư thì cũng rất khó có thể chứng minh có phải do loại hóa chất DEHP gây ra hay không.
Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục VSATTP chia sẻ, rõ ràng là cảnh báo chủ động của chúng ta còn hạn chế. Bộ Y tế đang chuẩn bị Đề án cảnh báo nhanh trình Thủ tướng sắp tới cũng không ngoài mục đích này. Mặt khác, trong bối cảnh chung về an toàn thực phẩm toàn cầu, hệ thống thu hồi, truy xuất nguồn gốc cần được xây dựng, củng cố nhằm nhanh chóng loại trừ các de dọa mất ATTP trong tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia có lưu thông buôn bán thực phẩm với nước ta.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)