Tiền rau giờ đắt ngang ngửa tiền thịt |
Thời bão giá, chi tiêu thâm hụt, không bằng lòng với đồng lương công sở, nhiều người quyết định “tay ngang” làm thêm ngoài để cải thiện thu nhập...
Chị Lê Hồng Diên, trưởng phòng dịch vụ thông tin một công ty về dịch vụ chứng khoán gần bến xe Lương Yên (Hà Nội) kể, khi thị trường chứng khoán rơi vào ảm đạm, mức thu nhập của chị cũng như những đồng nghiệp làm trong nghề này sụt giảm đáng kể. Sẵn có lợi thế là công việc thường xuyên sử dụng internet, chị Diên đã nghĩ cách kinh doanh qua mạng.
“Lúc đó, tôi thấy cái khó nhất là kinh doanh mặt hàng gì để đắt khách. Quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang thì nhiều người bán lắm rồi, không những trên mạng mà ngoài đường cũng đầy shop thời trang. Các gian hàng sữa, mỹ phẩm… trên các shop cũng nhan nhãn. Mình vừa đi làm, vừa kinh doanh qua mạng, nên nếu mặt hàng của mình không độc đáo thì khó mà cạnh tranh với những người buôn bán từ trước”.
Sau vài ngày suy nghĩ, chị Diên bắt đầu nảy ra ý tưởng kinh doanh mặt hàng ruốc, với các loại dành cho trẻ con, cho người lớn, người già, người ăn chay. Những loại ruốc chị làm khá đa dạng, từ ruốc heo, gà tới ruốc tôm, và có loại rất độc đáo như ruốc cá quả, tôm sú, ruốc thịt nấm, nấm chay, nấm đông cô…
Thời gian đầu mới bán hàng, buổi tối trước khi đi ngủ, chị Diên sắp xếp các gói ruốc khách đặt từ loại 1 lạng, 5 lạng tới 1kg vào túi và sáng hôm sau hì hục đèo tới công ty. Sau đó, chị hẹn khách qua công ty lấy hàng, hoặc giờ nghỉ trưa chị đi giao hàng đến từng nhà cho khách. Sau này, chị thuê luôn bác xe ôm ở gần nhà làm người chuyển hàng để đỡ vất vả.
“Khi bán hàng rồi mới biết, làm hai nghề một lúc chẳng dễ gì. Từ hồi bán hàng, gia đình tôi không có cuối tuần. Thường thứ 7, chủ nhật, tôi dậy sớm ra chợ mua nấm, thịt, cá, tôm, gà tươi ngon về làm nguyên liệu để làm ruốc. Xem như cả hai ngày nghỉ, cả nhà chỉ lụi cụi quanh bếp để giã thịt, rang ruốc. Các tối trong ngày thì chúng tôi kiểm tra lại đơn đặt hàng của khách để đóng gói hôm sau còn mang giao cho họ. May mà tôi có em gái phụ giúp, và chồng tâm lý biết chia sẻ công việc với vợ, nên cũng đỡ vất vả và quyết tâm duy trì việc bán hàng lâu dài”, chị Diên nói.
Hiện, khách hàng trung thành của chị không chỉ có người lớn, mà còn có cả các bác, các bà U60, 70, và đặc biệt là các em bé đang độ tuổi ăn dặm. Chị Diên kể, có hôm 6h sáng hay 10h tối còn có người qua bấm chuông nhà chị chỉ để hỏi mua một bịch ruốc cá hay ruốc tôm sú, vì con trẻ nhà họ không chịu ăn cơm hay cháo nếu không có ruốc kèm theo. Gian hàng ruốc của chị (nick name Mekhachchip) trên các diễn đàn lamchame, bometre… hiện khá đắt khách, nhất là khi chị đoạt giải nhì trong cuộc thi “Người bán hàng tốt nhất” do trang web lamchame tổ chức mới đây.
Cũng cùng suy nghĩ với chị Diên, chị Hoa cho rằng bây giờ bán hàng mà mong kiếm được chút lời thì quan trọng phải biết chọn hàng gì. Là nhân viên của Viện Chăn nuôi Quốc gia, thời gian làm việc không quá căng, chị Hoa đã cùng một số chị em trong viện nghĩ cách nuôi gà ác và bán qua mạng cho các mẹ, các chị, các bà bầu tẩm bổ. Chị Hoa tâm sự, công việc cũng vui nhưng khá vất vả. Có ngày khách đặt hàng tới gần 100 con gà ác. Trước khi chuyển gà cho khách thì phải làm thịt trước. Mà thông thường, gà đến tay khách còn nóng (tức vừa nhổ lông xong) thì họ mới yên tâm. Vì vậy, mỗi chiều xong việc, chị lại xắn tay vào nhổ lông gà, sau đó mang đi giao hàng cho từng khách. “Nhiều hôm tắc đường, tôi mất 3 – 4 tiếng để đi giao hết số gà khách đặt, về đến nhà thì đã 9 – 10h tối, bụng đói meo”.
Shop quần áo Sunday trên đường Vương Thừa Vũ (Hà Nội) tuy mới mở nhưng khá hút khách, bởi trước đó shop này đã có tên trong một số trang mua bán, diễn đàn trên mạng. Ít ai ngờ chủ của cửa hàng lại là một cô gái trẻ tên Linh, sinh năm 1986 và làm nhân viên kiểm toán cho một công ty tại Hà Nội. Vì công việc thường xuyên ngồi gắn với cái máy tính, Linh đã nảy ra ý định kinh doanh quần áo qua mạng. Đến năm 2011, giá cả cứ tăng vùn vụt trong khi thu nhập của Linh (dù khá hơn bạn bè) nhưng vẫn không tăng theo trượt giá, Linh quyết định kiếm thêm bằng việc đầu tư hơn vào việc kinh doanh quần áo, cụ thể là mở cửa hàng.
“Việc mở cửa hàng và thuê người trông coi giúp tôi đỡ vất vả hơn, khách hàng lại có chỗ để xem đồ, thử hàng. Trước đây, mỗi lần khách đặt hàng tôi lại phải mang tới công ty, sau đó nghỉ trưa hoặc tan làm thì mang đồ giao cho khách. Có nhiều khách hàng còn qua công ty tôi xem đồ và thử trong toilet. Có đợt khách qua công ty nhiều khiến tôi rất ngại với bảo vệ, đồng nghiệp, và từng có lần tôi bị sếp nhắc nhở về việc công tư lẫn lộn này”, Linh tâm sự.
Đúng là việc gì cũng có hai mặt, nhiều chị em làm thêm “tay ngang” mong kiếm chút tiền cải thiện thu nhập, hoặc làm vì sở thích, vì muốn thử thách nên lúc bắt đầu thì rất hào hứng. Song khi “vào cuộc” rồi mới biết có không ít rắc rối, rủi ro.
Chị Lê Hồng Diên kể, vì là trưởng một phòng ban của công ty nên chị rất hay phải họp hành. Từ hồi bán hàng qua mạng, nhiều lúc đang họp, điện thoại chị lại reo inh ỏi vì khách gọi điện mua hàng. Có lúc bận “tối mắt tối mũi” với báo cáo nhưng vẫn phải trả lời điện thoại hoặc nhắn tin lại cho khách, nếu không thì lại mất đơn hàng, hoặc mất uy tín với các mẹ.
Chị B.M.Oanh, bán váy ngủ và quần áo mặc nhà qua một số trang như Enbac, Muare… kể, vì không có người mẫu nên chị đành tự mặc các mẫu váy ngủ và chụp ảnh rồi up lên mạng. Ngay ngày đầu mở shop online, khách vào “comment”, nhắn tin để mua hàng thì ít, mà những tin nhắn với nội dung “lạc đề” thì nhiều. Chẳng hạn như “váy đẹp, nhưng mẫu (người mẫu) thì dừ quá”, “người mẫu sexy thế này bán áo quần làm gì cho phí”… Thậm chí, có kẻ còn nhắn tin vào điện thoại hay gọi cho chị Oanh rủ đi café, nhà nghỉ…
Với chị Hoàng Thị Lan, giáo viên Anh ngữ Trường mầm non quốc tế Maple Bear (Hà Nội), chị làm thêm nghề tay trái để cải thiện thu nhập bằng việc tham gia kinh doanh hàng đa cấp của Armway. Công việc này giúp chị có thêm nhiều mối quan hệ, nhưng cũng lấy đi của chị phần lớn thời gian. “Suốt ngày hội thảo, họp hành, mà toàn họp tối, có hôm 11h đêm mới xong. Lúc đó về nhà, tôi mới bắt đầu tắm rửa, giặt giũ, rồi soạn bài để hôm sau lên lớp. Hàng ngày thì liên tục phải gọi điện, “à ơi”, gặp gỡ khách hàng để thuyết phục họ mua hàng hay làm “chân rết” cho mạng lưới Armway. Nếu lập gia đình thì chưa chắc tôi đã tiếp tục theo được nghề này”, chị Lan nói.
Những công chức tay ngang cứ phải căng người ra như dây đàn để có thể vừa làm việc chính, vừa kiếm tiền phụ. Không biết khi nào giá cả mới thôi leo thang để dân công sở yên tâm tập trung vào việc chính, bớt đi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và dành chút thời gian chăm sóc cho bản thân, gia đình?
(Theo ĐV)