Năm 2009, tổng lượng đường tiêu thụ của Việt Nam ước tính khoảng 1,45 triệu tấn, nếu so với lượng đường tiêu thụ năm 2005 là 1,225 triệu tấn thì bình quân mỗi năm nhu cầu về đường tăng thêm khoảng 4,3%/năm.
Trong đó, hơn 73% được dùng trong công nghiệp chế biến: sản xuất nước ngọt, nước giải khát, bánh kẹo, dược phẩm và gần 27% được sử dụng trực tiếp tại các hộ gia đình. Cùng với nhu cầu đường tăng thêm của các hộ gia đình, các ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam theo dự báo của Business Mornitor International từ nay tới 2013 cũng tăng lên, trong đó ngành bánh kẹo tăng trưởng khoảng 28%, thực phẩm đóng hộp tăng trưởng khoảng 37%, ngành đồ uống cũng được dự báo có mức tăng trưởng rất cao trong cùng giai đoạn. Như vậy, nhu cầu đường của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trên 4,5%/năm. Theo đó, tổng nhu cầu tiêu thụ đường năm 2010 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,51 triệu tấn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, niên vụ 2008/2009, cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động. Ngoại trừ một số nhà máy liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư công nghệ khá hơn, còn phần lớn các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất trung bình mới chỉ đạt 2.643,75 tấn mía cây/ngày trong khi công suất tối thiểu để đạt hiệu quả kinh tế của một nhà máy mía đường trên thế giới vào khoảng 6.000-7.000 tấn mía cây/ngày. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích mía của Việt Nam trong 5 năm vừa qua biến động theo xu hướng giảm, từ 302,3 nghìn ha niên vụ 1999/2000 xuống còn 286,1 nghìn ha niên vụ 2003/2004 và khoảng 271,1 nghìn ha niên vụ 2008/2009. Mặc dù năng suất mía của Việt Nam hiện nay đã được cải thiện nhờ tiến bộ kĩ thuật và nỗ lực đầu tư cho vùng nguyên liệu nhưng năng suất mía của Việt Nam vẫn ở dưới mức 50 tấn/ha so với 70-100 tấn/ha của nhiều nước trên thế giới. Những yếu tố này đã làm giảm năng suất và ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng, giá thành cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà máy có đủ nguyên liệu và tối đa hóa công suất, thì với tổng công suất thiết kế của 40 nhà máy khoảng 105.750 tấn mía cây/ngày như hiện nay, Việt Nam chỉ có thể sản xuất được khoảng 1 triệu tấn đường.
Như vậy, so với nhu cầu 1,51 triệu tấn năm 2010, thì lượng đường sản xuất trong nước cùng với lượng đường tồn kho (khoảng 100 nghìn tấn) mới chỉ đáp ứng chưa đến 75% nhu cầu và thị trường vẫn thiếu hụt một lượng đường khá lớn, vào khoảng 410 nghìn tấn.
Bổ sung lượng đường thiếu hụt?
Theo cam kết WTO, tại thời điểm gia nhập WTO (2007), hạn ngạch nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện là 55.000 tấn, con số này sẽ tăng 5% mỗi năm và thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 25% đối với đường thô và 60% đối với đường tinh luyện từ mía; đối với đường tinh luyện từ củ cải thì thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 50%. Nhập khẩu ngoài hạn ngạch không bị hạn chế về các quy định nhập khẩu, nhưng phải chịu thuế suất rất cao, từ 80%-100%. Theo cam kết CEPT/AFTA giai đoạn 2009-2013, từ năm 2010 trở đi, thuế nhập khẩu tất cả các loại đường đều là 5%. Vì vậy, trong năm nay, nhập khẩu đường từ ASEAN sẽ chịu mức thuế thấp hơn so với nhập từ các quốc gia khác.
Thời gian vừa qua, Việt Nam nhập khẩu đường chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội đường Trung Quốc, sản lượng đường của nước này sẽ giảm trong niên vụ 2009/2010 do diện tích canh tác mía đường và củ cải đường giảm xuống. Hiện giá đường Trung Quốc đang dao động ở mức 765USD/tấn và nước này đã phải bán khoảng 500.000 tấn đường từ các kho dự trữ sau khi giá đường nội địa tăng mạnh trong những tháng qua. Còn Thái Lan, nước sản xuất đường lớn nhất khu vực ASEAN và là nước xuất khẩu đường thứ hai thế giới. Cơ quan mía đường nhận định sản lượng đường của nước này trong năm nay có thể đạt 8 triệu tấn và lượng đường xuất khẩu sẽ là 5,64 triệu tấn. Mặt khác, giá đường Thái Lan chỉ dao động trong khoảng 650USD/tấn, và nếu nhập khẩu theo hạn ngạch, cộng thêm 5% thuế nhập khẩu thì giá đường Thái Lan vẫn thấp hơn giá đường trong nước. Vì vậy, với lợi thế về giá cả, nguồn cung và chi phí vận chuyển, đường Thái Lan sẽ chiếm ưu thế hơn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam.
Như vậy, trong năm 2010, nếu tình hình sản xuất và cơ chế thu mua mía của các nhà máy không được cải thiện, lượng cung đường thiếu hụt và giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới như ở thời điểm hiện nay, nhiều khả năng giá đường sẽ giữ xu thế tăng. Nhìn lại diễn biến thị trường đường năm 2009, giá đường trong nước leo thang chủ yếu do nhập khẩu và cung ứng đường không theo kịp diễn biến thị trường gây nên những cơn sốt đường trong ngắn hạn.
Trong năm 2010, bài toán đặt ra đối với ngành đường là nắm bắt được diễn biến của thị trường đường thế giới, chủ động trong nhập khẩu và đáp ứng kịp thời nhu cầu thị thị trường nhằm tránh hiện tượng khan hiếm đường giả tạo, những biện pháp này kết hợp với việc điều tiết tốt sản xuất và thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy ở trong nước sẽ là giải pháp tối ưu để bình ổn thị trường đường năm 2010.
(Tin tham khảo)