Việt Nam có một dòng đồ sứ đặc trưng ký kiểu thời Lê – Trịnh (Thăng Long) và nhà Nguyễn (Huế) đặt làm tại Trung Hoa từ thế kỷ 17 đến 19. Nay dòng đồ sứ này khan hiếm, nhiều người thích chơi chỉ còn cách mua đồ “tân ký kiểu” – đồ mới phỏng cổ.
Đồ cổ từ các thời trên với đa dạng chủng loại, từ đôn, chậu, choé, thống, đến tô, chén, dĩa, bộ đồ trà… Do yếu tố “ngự dụng” – mỗi đời vua sử dụng một loại đồ được ký kiểu riêng, mang phong cách hoàn toàn khác nhau, được định danh bằng đề tài thể hiện trên món đồ hoặc ghi dưới trôn của hiện vật như Lê – Trịnh có: Khánh Xuân thị tả, Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đoài, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị nam. Đồ triều Nguyễn thường là tên gọi các vua đang trị vì như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… hoặc ghi năm sản xuất. Do gắn với lịch sử, và yếu tố ngự dụng, nên đồ sứ ký kiểu Lê – Trịnh và nhà Nguyễn đều là những báu vật của giới sưu tầm.
Những hiện vật sứ ký kiểu nguyên bản đã bể vỡ nhiều, số bị chuyển ra nước ngoài, số còn lại ở bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế và trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước. Ý tưởng phục chế – ký kiểu lại dòng đồ này theo nguyên bản được anh Trần Quốc Thái – một người đam mê trong lĩnh vực gốm sứ tự mày mò lặn lội sang Cảnh Đức Trấn – Trung Quốc tìm nghệ nhân ký kiểu lại đem về trưng bày ở Đại Nội – Huế theo nguyên bản ngày xưa.
Sau hơn mười năm miệt mài làm việc cùng các nghệ nhân ở Cảnh Đức Trấn, anh Thái chuyển hướng “mượn” những hoa văn, hoạ tiết, các kiểu thức trang trí của đồ sứ xưa để vận dụng làm ra một dòng đồ sứ phong phú về kiểu dáng, kích thước, đưa vào sử dụng hoặc làm trang trí nội – ngoại thất. Ứng dụng sứ “tân ký kiểu” vào mặt bàn, lưng ghế, văn kỷ (bàn trà), tranh sứ, bộ đồ ăn... Chính sự phối hợp hài hoà ấy đã mang lại cho thị trường một dòng đồ sứ “tân ký kiểu” độc đáo với hoa văn hoạ tiết mang đậm tính cung đình.
Về giá trị của đồ “tân ký kiểu”, anh Thái khẳng định: “Do là dòng đồ sứ đòi hỏi kỹ thuật chế tác cao, phỏng cổ nhưng vẫn phải để người am hiểu nhìn vào biết nó thuộc dòng đồ gì thông qua đề tài, màu men thuốc. Vì vậy, nhiều khách hàng rất ưa chuộng, dùng trưng bày trong không gian nhà cổ, trang trí sân vườn, đặt làm bộ đồ ăn chén – dĩa – tô, đồ trà sử dụng thường ngày, giá những sản phẩm này không hề rẻ nếu so với các dòng đồ sứ cao cấp khác kể cả Trung Quốc và châu Âu”. Trong số những người am hiểu cổ vật cũng tìm đặt những đơn hàng về dòng đồ này, dưới hiệu đề có ghi luôn cả tên tuổi chủ nhân, người chế tác, năm sản xuất… hình thành nên một kiểu chơi độc đáo trên thị trường gốm sứ ở Sài Gòn những năm gần đây.
( Theo NGUYỄN ĐÌNH // Báo SG Tiếp Thị Online )