Lần thứ hai trong năm nay, đầu tháng 7, cả ba doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần khống chế là Viettel, Vinaphone và Mobifone lại trình Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phương án giảm cước di động với mức đề xuất giảm 15-20%. Nếu phương án này được thông qua, hàng chục triệu khách hàng dùng di động của ba nhà mạng trên sẽ được hưởng lợi.
Người tiêu dùng kỳ vọng nhiều vào việc giá cước di động giảm. |
Chờ đợi được giảm cước
Với khách hàng, đây là thông tin đã được chờ đợi từ lâu, vì đầu năm 2010 (vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần) các phương án xin giảm cước trên đã bị Bộ "gác" lại. Khi đó, cơ quan quản lý chuyên ngành hoàn toàn có lý, vì lo ngại giảm cước có thể sẽ gây ra làn sóng "đua" giảm giá giữa các nhà mạng, mà quên việc chống nghẽn trong dịp Tết âm lịch... Mặt khác, từ ngày 1-7, theo quy định của Bộ, các nhà cung cấp dịch vụ di động không còn được tự do khuyến mãi, sẽ khó cho việc giữ chân và phát triển thuê bao mới. Vì thế, phương án xin giảm cước lần này được các DN kỳ vọng sẽ giúp họ đạt kết quả kinh doanh tốt và đem lại quyền lợi cho hơn 60 triệu thuê bao của VNPT (chủ quản mạng Vinaphone và Mobifone), gần 50 triệu thuê bao của Viettel.
Lý giải về lý do xin giảm cước, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, việc này phù hợp với định hướng quản lý giá cước viễn thông năm 2010 của Bộ (DN viễn thông xây dựng phương án giá cước dựa theo nguyên tắc chung là giá cước dịch vụ hợp lý với người sử dụng; phù hợp với giá cước kết nối giữa các DN). Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010, Bộ đã cho phép giảm cước kết nối 10-15%, tức là các cuộc gọi từ 3 mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel khi kết nối trực tiếp đến các mạng di động khác sẽ được trả mức cước giảm 10-15% so với trước. Đây là điều kiện giúp các DN chiếm thị phần khống chế tiết kiệm được chi phí, tạo tiền đề cho việc giảm cước di động tiếp sau đó. Trả lời báo chí về quan điểm của Bộ TT-TT trước đề xuất giảm cước di động của DN, Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ ủng hộ nhà mạng giảm cước để thu hút thuê bao thay cho việc thực hiện khuyến mãi. Bộ đang xem xét các phương án giảm cước của DN và sẽ thông qua nếu việc giảm giá không dưới giá thành. Như vậy, rất có thể đề xuất giảm cước của 3 nhà cung cấp dịch vụ kể trên được thông qua trong đợt này. Đây sẽ là tin vui cho hơn 110 triệu thuê bao di động của Viettel, Vinaphone và Mobifone.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng những lợi ích nhất định khi các nhà mạng giảm giá cước di động. Ảnh: Thanh Hải |
Liệu có xảy ra cuộc chiến giá cước?
Với các nhà mạng nhỏ, mạng mới hoạt động hoặc sắp sửa khai trương, thì đề xuất giảm cước của DN lớn lại là tín hiệu không mấy khả quan! Song, có lẽ điều này không nằm ngoài quy luật thị trường, khi gia nhập, họ buộc phải tính toán khả năng kinh doanh trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu xảy ra cuộc chiến giá cước giữa các nhà mạng, có thể gây nguy cơ đổ vỡ thị trường khi mà "đại gia" giảm giá, các mạng nhỏ hơn muốn tồn tại phải giảm theo. Bởi, chỉ số doanh thu bình quân/thuê bao (APRU) ở nước ta được coi là thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (dưới 5 USD/thuê bao năm 2008) và điều này cho thấy thị trường đã bão hòa. Khi doanh thu/thuê bao giảm, đương nhiên lợi nhuận của nhà cung cấp dịch vụ giảm theo. Như vậy, điều này sẽ có những tác động không tốt cho ngành viễn thông. Kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới đã từng xảy ra là DN mới hoạt động liên tiếp đưa mức dưới giá thành để thu hút thuê bao, buộc DN lớn muốn giữ chân khách hàng phải giảm giá theo cho đến khi các nhà mạng lớn bị suy yếu. Sau khi chiếm lĩnh thị trường, DN mới quay trở lại tăng giá cước và bắt đầu "định hướng" thị trường theo cách độc quyền cung cấp dịch vụ... Đó cũng là những mối lo không phải không có lý.
Nhưng theo các chuyên gia, hiện Bộ đang xây dựng khung giá cước di động, trong đó quy định cụ thể về giá thành cho mỗi mạng nhằm hạn chế khả năng xảy ra "chiến tranh" giá cước. Trong vài năm gần đây, để cạnh tranh, các nhà cung cấp đã liên tiếp thực hiện khuyến mãi và tạo ra cơn sốt làm ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, thay vì chạy đua giành thị phần bằng khuyến mãi, các mạng di động cạnh tranh bằng giá cước sẽ tốt hơn, vì khi giảm cước, tất cả các thuê bao đều được hưởng lợi; còn với khuyến mãi, chỉ một nhóm khách hàng được lợi và trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, việc giảm cước là góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.