Việc truy tìm nguồn gốc phát tán tin nhắn rác không khó với các nhà mạng song họ nhẹ tay hoặc làm ngơ là vì cũng có lợi...
Thời gian qua, hầu hết các mạng di động đều nhận được phản ánh của các khách hàng liên quan đến việc bị tin nhắn lừa dẫn đến mất tiền trong tài khoản. Lẽ ra, khi khách hàng bị lừa bởi tin nhắn, các nhà cung cấp mạng phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế số người bị thiệt hại. Thế nhưng, hiện nay nhà mạng chưa thật sự quan tâm hoặc nếu có thì cũng chưa đến nơi đến chốn vì vậy đa phần khách hàng phải tự bảo vệ.
Mạng nào cũng kêu khó
Những bức xúc của khách hàng đều xoay quanh việc bị nhận quá nhiều tin nhắn lừa dưới dạng quảng cáo, tin nhắn mang nội dung chúc mừng trúng thưởng, khuyến mãi, miễn phí tải nhạc chuông, tin nhắn giả danh nhắn tin ủng hộ các loại quỹ từ thiện, tin nhắn dụ khách hàng nhắn tin theo cú pháp đã định và gửi đến các đầu số dịch vụ nội dung có mức cước cao... Hậu quả là có đến hàng triệu khách hàng bị mất tiền oan vì những tin nhắn kiểu này.
Thế nhưng, hầu như chưa có nhà cung cấp mạng di động nào ra tay dẹp tin nhắn rác một cách quyết liệt. Nói về vấn đề này, đa số nhà mạng đều cho biết rất khó. Đại diện Vinaphone cho rằng thông thường các tin nhắn lừa xuất phát từ số điện thoại di động trả trước của nhiều mạng di động khác nhau hoặc từ các trang web (nhất là trang web của nước ngoài) cho phép nhắn tin miễn phí chứ không xuất phát từ đầu số 8xxx/6xxx/9xxx hoặc số tổng đài nhắn tin của các nhà cung cấp dịch vụ nên nhà mạng không quản lý được.
Mặt khác, khi Vinaphone làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ (CP) thì họ đều cho rằng do đối thủ cạnh tranh muốn hại mình nên tung tin nhắn. Ngoài ra, về mặt pháp lý, Vinaphone còn cho rằng rất khó có thể kiểm soát nội dung các bản tin SMS được gửi từ các thuê bao này đến thuê bao khác vì chưa có quy định nào về việc các nhà cung cấp dịch vụ được quyền kiểm soát thông tin của khách hàng. Và theo quy định về bảo mật thông tin cá nhân thì không thể biết được đó có phải là tin nhắn rác hay không, trừ khi nhận được phản ánh của khách hàng qua các kênh thông tin khác...
Mạng di động Viettel cũng cho rằng các tin nhắn rác được gửi từ một số di động tới số máy của khách hàng thì hệ thống của Viettel hiểu như những tin nhắn giữa 2 thuê bao di động thông thường với nhau. Chính vì thế, Viettel chưa có căn cứ cũng như biện pháp chế tài để xử lý các trường hợp này. Một đại diện của mạng Mobifone cho rằng sim phát tán tin nhắn rác cũng chính là các sim bình thường đã được đăng ký trên hệ thống nên không thể phân biệt và ngăn chặn được. Trường hợp các tin nhắn phát tán từ mạng internet giả mạo thuê bao Mobifone thì về mặt kỹ thuật hoàn toàn không xử lý được...
Thờ ơ hay dung túng?
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực viễn thông, về nguyên tắc, tất cả các tin nhắn gửi đi đều được hệ thống kỹ thuật của các mạng di động lưu lại thông tin, vì thế nhà mạng không thể nói không biết nguồn gốc tin nhắn xuất phát từ đâu. Việc truy tìm nguồn gốc phát tán tin nhắn rác không phải hoàn toàn khó khăn như các nhà mạng đã kêu.
Thông thường, các CP đều thuê lại của các mạng viễn thông, họ dụ khách hàng nhắn tin về các đầu số đã thuê này nên số tiền khách hàng bị mất đều vào túi của các CP. Các CP chia lại tiền cho nhà mạng. Chính vì sự dích dắc này mà dư luận cho rằng nhà mạng không muốn ra tay hoặc có thì cũng xử lý nhẹ hều.
Thực tế, trước những phản ứng của khách hàng, một số nhà mạng cũng đã có những biện pháp kiểm soát nhất định như mạng Vinaphone có công văn nhắc nhở, tạm ngừng kết nối, không phân chia doanh thuđối với các bản tin nhắn rác. Viettel thì đưa ra các quyền xử phạt theo mức độ từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng và nặng nhất là chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, nói thì to tát thế nhưng thực tế, sau hàng loạt tin nhắn rác xuất hiện, Viettel vẫn chưa hề xử phạt một CP nào...
Làm ngơ là tiếp tay hại khách hàng Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính TPHCM, cho rằng: Trong những vụ lừa đảo người tiêu dùng bằng tin nhắn thì nhà mạng không thể nói là vô can. Nhà mạng cũng đã hưởng một phần quyền lợi do chính các CP đem lại, bởi suy cho cùng, số tiền mà các CP chia lại với nhà mạng là do số tiền lừa đảo người tiêu dùng mà có. Nếu cứ làm ngơ, tức là nhà mạng tiếp tay cho các CP làm hại chính khách hàng của mình... |
(Theo Ngọc Mai // Nguoilaodong Online)