Người tiêu dùng cần biết được những thông tin cụ thể và trung thực các thành phần của sản phẩm |
Đây là câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng đang thắc mắc, bởi lẽ trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa đều ghi là “sữa tươi tiệt trùng” nhưng trên thực tế lại không phải được sản xuất từ sữa tươi. Điều đáng nói là cách ghi lập lờ của nhà sán xuất hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý, và người người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải chịu thiệt.
Số liệu đưa ra tại cuộc tọa đàm về “Thực trạng chất lượng sữa tươi”, do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Cty Bizlink media tổ chức mới đây khiến nhiều người giật mình. Đó là, trong năm 2008, sản lượng sữa tươi tiệt trùng cả nước là 439.113.000 lít, trong khi đó sản lượng sữa bò tươi của cả nước năm 2008 chỉ đạt 262.160 lít, tức là chỉ đáp ứng được 60% sản lượng sữa tươi tiệt trùng. Đó là chưa kể đến các sản phẩm khác phải sử dụng nguyên liệu sữa tươi như sữa đặc có đường, sữa chua. Những con số này đã chỉ ra rằng có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng bán ra thị trường không phải là 100% sữa tươi nguyên chất.
Lập lờ đánh lận con đen
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB NTD nữ - Vinastas cho biết, hiện nay sản lượng của đàn bò sữa và thậm chí cả dê sữa nội địa từ trước đến nay cũng chỉ đáp ứng không quá 30% tổng nhu cầu sản xuất trong nước. Câu hỏi đặt ra là làm sao trên bao bì sản phẩm sữa tươi trên thị trường của nhiều DN sản xuất vẫn quảng cáo “sữa bò tươi nguyên chất”, “tinh khiết từ thiên nhiên”, “sữa tươi 100%” “sữa tươi tiệt trùng”? Câu hỏi đặt ra là: Vậy các loại sản phẩm “sữa tươi” nội trên thị trường, hiện có đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng cần thiết như thông tin được các nhà sản xuất cung cấp. Và với tỷ lệ dầu thực vật, mà chủ yếu là dầu cọ, và khi các cơ quan chức năng kiểm tra cũng sẽ ghi nhận trong sản phẩm đủ độ béo... thì ai sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng rằng không bị ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều những loại “sữa tươi” này?
Người tiêu dùng đang bị “bỏ rơi” ?
Một chuyên gia cho biết, với kiểu nhãn mác lập lờ như hiện nay, người tiêu dùng hoàn toàn bị mất phương hướng khi mua các sản phẩm sữa, bởi không biết sản phẩm nào hàm lượng sữa tươi tiệt trùng đúng như ghi trên nhãn mác.
Như vậy, việc không ghi thành phần bao nhiêu % sữa tươi cũng như sữa bột là không minh bạch với người tiêu dùng. Thực tế này khiến bà Lê Thị Phi Vân, cán bộ Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phải thốt lên rằng: người tiêu dùng đang bị “bỏ rơi”, và họ không thể “khôn ngoan” khi lựa chọn các sản phẩm sữa với kiểu ghi lập lờ như hiện nay.
Thiết nghĩ, với việc ghi trên nhãn mác gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng theo kiểu “Sữa tươi tiệt trùng” hay “Sữa tươi thanh trùng”... nhưng lại không phải được sản xuất từ sữa tươi tiệt trùng mà được sản xuất từ sữa bột hoàn nguyên của một số DN sữa hiện nay có thể coi là hành vi lừa người tiêu dùng, không những thế hành vi này còn vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ Người tiêu dùng. Trên thực tế, tình trạng vi phạm này rõ ràng không phải mới xảy ra gần đây, không phải không có ở những DN có thương hiệu mà thậm chí còn thương hiêu nổi tiếng trong nước, và chắc rằng các cơ quan chức năng không phải không biết.
Một chuyên gia trong ngành sữa nhận định, sở dĩ các DN sữa làm liều cũng là do kẽ hở của các văn bản pháp quy không quy định rõ tỷ lệ phần trăm thành phần của các loại sữa nên các DN lách luật. Việc thanh kiểm tra, xử phạt của các cơ quan quản lý chưa được nghiêm minh. Vì thế, sữa tươi “rởm” vẫn có đất tung hoành.
Một lần nữa, các cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần phối hợp với các ngành liên quan để có những động thái tích cực hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát các DN sữa để người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua các sản phẩm sữa.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)