Suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh thu mảng điện thoại quốc tế của các công ty viễn thông. Ước tính trong quý 1/2009 doanh thu từ mảng này đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, các hãng viễn thông phải liên tiếp tung ra nhiều chương trình cuộc gọi tiết kiệm đến 50% chi phí để giữ chân khách hàng và chiếm lĩnh thị phần, còn các “thượng đế” thì ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn trước.
Từ khi bắt đầu xuất hiện công nghệ VoIP đến nay, điện thoại quốc tế theo phương thức truyền thống đã có đến 6 lần giảm giá. Chi phí cho cuộc gọi quốc tế trước đây ngoài việc phải tính theo từng phút, giá cước quốc tế được chia thành 7 vùng với mức cao nhất là 2,9 USD/phút, hiện nay khách hàng chỉ phải trả 500 đồng cho 6 giây đầu tiên và 60 đồng cho giây tiếp theo.
So với cách gọi truyền thống, hình thức gọi qua mã số tiết kiệm 177, 171, 178... giúp khách hàng giảm thêm được một khoản phí, tùy theo từng nhà cung cấp, mức giảm có thể đến hơn 20%.
Để làm hài lòng “thượng đế”, các nhà cung cấp VoIP còn đưa thêm hình thức thẻ trả trước với mức cước tiết kiệm đến hơn 50% mà chất lượng thoại vẫn tốt, không thua kém điện thoại thông thường. Hiện trên thị trường có các loại thẻ VoIP trả trước của các nhà cung cấp như SPT (177 card, Alo 1771), VNPT (thẻ 1719, thẻ 1717)...
Các mạng di động cũng bắt đầu chú ý đến mảng thị phần điện thoại quốc tế. Đầu tháng 4/2009, VinaPhone tung ra gói cước với thời lượng cuộc gọi không giới hạn. Để sử dụng gói cước này khách hàng cần đóng phí thuê bao hàng tháng là 299.000 đồng. Đây là gói cước dành cho khách hàng có nhu cầu liên lạc quốc tế cao và thường xuyên.
Đối với nhóm khách hàng có nhu cầu điện thoại quốc tế thấp hơn thì hình thức dùng thẻ trả trước là phù hợp nhất, với mức giá gọi quốc tế chỉ còn 1.690 đồng phút (thẻ 177 card) khách hàng có thể tiết kiệm đến 55% so với cách gọi thông thường.
Thẻ 177 card đưa ra phương thức sử dụng rất tiện lợi, đó là không cần phải nhập mã tài khoản trước mỗi cuộc gọi và chỉ với một tài khoản, các doanh nhân cùng đồng nghiệp và người thân có thể dùng chung khi cần gọi ra nước ngoài. Hình thức gọi quốc tế có mức giá rẻ nhất hiện nay phải kể đến là điện thoại Internet, mức giá thấp nhất hiện nay chỉ khoảng 299 đồng/phút (thẻ SnetFone).
Khuyến mãi cũng là chiêu thức được các công ty viễn thông ưa chuộng, ngoài hình thức tặng thêm tiền vào tài khoản, một số công ty đang có thêm các hình thức như tặng quà kèm bán hàng. Viettel có chương trình bán máy kèm dịch vụ di động trả sau, theo đó từ ngày 6/04 đến 31/05/2009 khách hàng mua máy điện thoại di động với giá từ 1.500.000 đồng sẽ được Viettel áp dụng chính sách như: miễn phí hòa mạng, tặng tiền cước sử dụng...
Từ ngày 20/4/2009, SPT cũng tung ra chương trình khuyến mãi, khi mua các loại thẻ 177 card, SnetFone, Svoiz đạt mức doanh số theo quy định khách hàng sẽ nhận được những quà tặng hấp dẫn như laptop, điện thoại di động, áo thun thời trang...
Đặc biệt đáng quan tâm là các chương trình giảm giá và khuyến mãi cũng như tỷ lệ chiết khấu hậu hĩ cho các đại lý đã làm suy giảm mạnh việc bán các loại thẻ lậu. Một số đại lý cho biết, yếu tố lợi nhuận và tính an toàn hợp pháp trong kinh doanh rất quan trọng, nếu bán hàng không có lợi nhuận thì không hiệu quả, nhưng nếu thiếu tính hợp pháp thì rủi ro rất lớn, có thể phá sản nên họ đã bỏ không kinh doanh các loại thẻ không hợp pháp.
Năm 2009, theo dự báo của các hãng điện thoại, nhu cầu về điện thoại quốc tế có thể sẽ tiếp tục giảm nhưng vào cuối năm sẽ tăng lên theo sự phục hồi của nền kinh tế. Từ năm 2010 trở đi, thị phần điện thoại quốc tế sẽ tăng lên nhanh chóng do tiềm năng còn rất lớn.
Việt Nam hiện có trên 3 triệu kiều bào sinh sống tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trên 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài vào đầu tư làm ăn tại Việt Nam, số lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 50.000 người.
Đây chính là “mỏ vàng” cho các hãng điện thoại. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng khốc liệt, những người chiến thắng sẽ là những nhà cung cấp biết lắng nghe khách hàng và có khả năng làm thay đổi môi trường cạnh tranh.
(Theo HẢI BẰNG // vneconomy)