Trong văn phòng của Cty Cổ phần Công nghệ Rừng Hoa Đà Lạt (TP Đà Lạt) bày la liệt các giỏ, lẵng hoa rực rỡ với nguyên liệu chính là hoa hồng, những bông hoa mang rất nhiều màu sắc không giống với thông thường, kể cả những màu hoa hiếm thấy trong thực tế.
Chị Yến Trang - người thiết kế hoa của Cty Rừng Hoa Đà Lạt bên những tác phẩm hoa khô xuất khẩu Ảnh: Đại Dương |
Tất cả những bông hoa và phụ liệu như cành, lá… đều được sấy khô, song trông tươi như mới cắt từ ngoài vườn. chị Yến Trang - người thiết kế các tác phẩm hoa của công ty tiết lộ, bí quyết để hoa khô trông như tươi và mang nhiều màu sắc là nhờ vào kỹ thuật với nhiều bước công phu liên hoàn như tẩm, nhuộm, sấy…
Theo chị Trang, bất kể màu sắc tự nhiên của hoa và cành, lá là gì cũng đều phải tẩy trắng, sau đó nhuộm màu theo nhu cầu, rồi hấp sấy. Bước cuối cùng là phủ lên hoa một lớp dung dịch nhằm chống rụng cánh hoặc côn trùng làm hư hại.
Để mỗi bông hoa chuyển từ tươi thành khô, mất ít nhất một tuần. Hoa được sấy khô có độ bền cao, không bị phai màu, có thể tồn tại đến ba năm trong điều kiện bảo quản tốt.
Anh Nguyễn Đình Chương - Phó giám đốc Cty cho biết, công nghệ sấy khô hoa được chuyển giao từ Nhật Bản và anh là người sang tận nơi học, đưa về áp dụng tại Việt Nam. Hiện Cty ứng dụng thành công đối với các loại hoa hồng, cẩm tú cầu, cúc bình bông với khoảng 40 màu khác nhau.
Anh Chương cũng cho biết, những sản phẩm hoa khô thử nghiệm đầu tiên được ra đời hồi cuối năm 2008 và bắt đầu xuất khẩu sang Nhật từ đầu năm 2009. Mỗi tháng Cty xuất khoảng 40.000 cành hoa các loại.
Mỗi bông hoa hồng khô xuất khẩu sang Nhật có giá khoảng một USD, gấp 10-12 lần so với xuất hoa tươi. Tuy nhiên, theo anh Chương, công ty không chỉ xuất nguyên liệu hoa cành mà tạo thành những tác phẩm hoa hoàn chỉnh (lẵng, giỏ hoa theo chủ đề…), vì vậy lợi nhuận còn đạt ở mức cao hơn.
Mỗi lẵng, giỏ hoa hoàn chỉnh có giá từ 80 đến 600 nghìn đồng, thậm chí từ 1-2 triệu đồng nếu thực hiện theo đơn đặt hàng. Các tác phẩm hoa sử dụng trong các sự kiện đặc biệt của khách hàng như ngày cưới, rất được ưa chuộng vì có khả năng lưu giữ lâu.
Ngoài Nhật Bản, công ty đang mở rộng thị trường ở các nước châu Âu và hiện có rất nhiều khách hàng đến từ Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ucraina nhận mẫu hàng.
Cũng theo chị Yến Trang, sở dĩ khách hàng nhiều nước ưa chuộng loại hoa khô này một phần vì vẻ đẹp rực rỡ của nó, phần vì hiệu quả sử dụng rất cao. Chẳng hạn, với một khách sạn cao cấp quy mô 200-300 phòng, mỗi phòng sẽ phải có một giỏ hoa. Nếu sử dụng hoa tươi thì sẽ phải thay thế hàng ngày, gây nhiều tốn kém; trong khi với bình hoa khô mỗi ngày chỉ việc luân chuyển từ phòng này sang phòng khác là đã có được bình hoa mới lạ.
Ngoài Cty Rừng Hoa Đà Lạt, tại thủ đô hoa cũng có một doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư sản xuất hoa khô xuất cành hoa nguyên liệu cung cấp cho thị trường Nhật. Theo ông Nguyễn Tri Diện - Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, việc làm hoa khô xuất khẩu tuy mới ở bước ban đầu nhưng đã mở ra một triển vọng mới trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hoa tại Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung.
(Theo Đại Dương // Tienphong Online)