“100% thuê bao trả trước đã đăng ký thông tin, tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% là đăng ký thông tin chính xác, còn lại 70% là gian dối”.
“Tỷ lệ như thế là quá thấp!”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thẳng thắn ghi nhận tại buổi tổng kết hai năm về quản lý thuê bao di động trả trước, diễn ra ngày 13/7.
“Phần lớn là đăng ký gian dối”
Theo thống kê của Vụ Viễn thông, tính đến thời điểm hiện tại, 100% thuê bao di động trả trước đã đăng ký thông tin. Ngay từ đầu năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường mạnh tay đối với việc quản lý thuê bao di động trả trước, người sử dụng điện thoại mới ồ ạt đi đăng ký thông tin. Đến giữa tháng 4, các mạng di động báo cáo lên Bộ đã có trên 90% thuê bao trả trước đã đăng ký thông tin.
Thế nhưng không một mạng nào dám đảm bảo độ chính xác của thông tin đã đăng ký. Thực tế trong đợt kiểm tra vào thời điểm tháng 1/2010, Thanh tra Bộ đã phát hiện có tới 90% tổng số thuê bao di động trả trước khai báo thông tin cá nhân không chính xác.
Sau hai năm thực hiện quy chế về quản lý thuế bao trả trước, tạm tính đúng như những gì báo cáo của các doanh nghiệp và Vụ Viễn thông, thì hiệu quả của quy chế mới đạt về số lượng, còn chất lượng vẫn còn là con số khó thống kê và quá ít ỏi.
Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh kiểm tra với một số mạng di động, qua đó, mạng di động GTel đã bị phạt 70 triệu đồng, EVN Telecom bị phạt 17 triệu đồng vì vi phạm quản lý thuê bao di động trả trước. Nhưng một vị thanh tra Bộ “ví von”, với mức độ xử phạt chỉ vài chục triệu đồng, nhất là với các doanh nghiệp lớn thì cũng chỉ như... “đá ném ao bèo”.
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, hiện trạng phần lớn thuê bao đăng ký thông tin gian dối là do nhận thức và thói quen của người sử dụng chưa xác định được tính cần thiết của việc đăng ký thông tin. Tuy nhiên, thứ hai, quan trọng hơn là do chính các doanh nghiệp (nhà mạng) và các đại lý, điểm đăng ký của doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh thực hiện theo qui định.
Ông phân tích, hệ thống đại lý, điểm đăng ký của doanh nghiệp là khâu yếu nhất. Vì nhiều khi hệ thống các đại lý, điểm đăng ký đã không kiểm tra chứng minh thư của người mua hàng, đấy là chưa nói đến vi phạm không cần chứng minh thư. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp lại chạy theo lợi nhuận, chạy theo lợi ích và đã vi phạm không chấp hành nghiêm quy định.
“Tôi lấy ví dụ trong quy định ghi rõ và phổ biến tại các hội nghị là các điểm đăng ký thuê bao phải là điểm cố định, được trang bị máy tính, nhưng trên thực tế có rất nhiều điểm đại lý không đáp ứng được những yêu cầu trên, nhưng vẫn hoạt động như thường”, ông Hợp dẫn chứng.
“Đăng ký chất lượng”, hướng nào?
Đến hết quý 2/2010, Việt Nam có tất thảy 151 triệu thuê bao cả di động và cố định, trong đó thuê bao di động chiếm trên 80% (số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong tổng số điện thoại di động, theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì 90% là thuê bao di động trả trước.
Giả sử toàn bộ số điện thoại di động trên đều đã hoạt động thì hiện nay có khoảng 75 triệu thuê bao di động trả trước là đăng ký thông tin không chính xác. Trên thực tế, những thuê bao đăng ký thông tin không chính xác thì người sử dụng đều có thể bỏ đi bất cứ lúc nào. Như thế sự lãng phí kho số “trong điều kiện tài nguyên kho số có hạn” là vô cùng lớn.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sắp tới, Bộ sẽ tiến hành ngay việc đối soát thông tin đăng ký với cơ sở dữ liệu chứng minh thư nhân dân của Bộ Công an, để rà soát lại tính chính xác thông tin của tất cả các thuê bao trả trước đăng ký. Bộ sẽ tiến hành thí điểm tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, sau đó mở rộng ra cả nước.
Bộ đặt quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ dứt điểm thực hiện việc đối soát thông tin tại ba thành phố này. Theo tính toán của Bộ, nếu làm được ở 3 thành phố này, ít nhất trên 30% thuê bao sẽ được kiểm soát.
Theo kế hoạch mà Bộ đặt ra, trên cơ sở đối soát, những thuê bao nào không đúng tên hoặc chứng minh thư, sẽ chuyển cho doanh nghiệp xử lý và số thuê bao này sẽ phải đăng ký lại. Nếu sau một thời gian chủ nhân của những thuê bao này không đăng ký lại thì các doanh nghiệp phải cắt bỏ.
Lần này, Bộ cũng thực hiện nghiêm rằng, các doanh nghiệp viễn thông sẽ không thể lấy lý do vì chưa có cơ sở dữ liệu đối chứng, nên không thể xác minh chính xác thông tin của khách hàng.
Ngoài ra, Bộ sẽ thực hiện nghiêm việc siết chặt điều kiện kinh doanh của điểm đăng ký thông tin di động, như phải có biển kinh doanh, có máy tính kết nối… “Bộ tiếp tục thành lập thanh tra liên ngành, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương phải quản lý chặt chẽ để xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
(Theo Vneconomy)