Ngày 1-3, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, các doanh nghiệp (DN) thành viên của hiệp hội đang khẩn trương làm phương án điều chỉnh giá cước vận tải trình các cơ quan chức năng.
Theo quy định của Thông tư Liên tịch số 129/2010/TTLT - BTC - BGTVT ngày 27-8-2010 của Liên bộ Tài chính và Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, khi các DN vận tải muốn điều chỉnh giá cước phải có văn bản kê khai giá cước gửi cho cơ quan tiếp nhận kê khai giá cước do Sở Tài chính chủ trì, Sở GTVT và cục thuế địa phương (nơi DN vận tải có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn).
Ngoài ra, thời điểm kê khai giá cước ít nhất 3 ngày trước khi đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ theo giá mới. Việc điều chỉnh giá cước phải được các đơn vị nói trên có văn bản chấp thuận mới được thực hiện.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, hiện đã có một số DN vận tải hành khách trên địa bàn đã tùy tiện tăng giá cước sau khi xăng dầu tăng giá. Cụ thể, tuyến buýt số 201 Kim Mã - Sơn Tây - Trung Hà của Công ty Xe khách Nam Hà Nội và Công ty CP Ô tô khách Hà Tây đã tăng thêm 3.000 đồng/vé/lượt.
Qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nội đã kết luận Công ty CP Ô tô khách Hà Tây tăng giá không xin phép cơ quan chức năng. Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội tuy có xuất trình được các văn bản cần thiết để xin tăng giá nhưng thời điểm bán vé theo giá mới lại chưa đúng quy định. Sở GTVT đã yêu cầu 2 DN dừng việc bán vé theo giá mới trên tuyến và thống kê việc sai quy định nộp về cơ quan chức năng.
Cùng ngày, Sở GTVT TP Hà Nội đã có công văn số 508/GTVT-QLVT gửi các DN vận tải, khai thác bến xe ở thành phố yêu cầu không tùy tiện tăng giá cước vận tải, bắt chẹt hành khách; sẽ có hình thức xử lý thích đáng với các đơn vị tăng giá cước cũng như các loại phí dịch vụ bến xe bất hợp lý.
Hôm qua ở TPHCM, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết: đến nay, bến xe đã nhận được thông báo của khoảng 30/231 DN vận tải hành khách liên tỉnh đề xuất mức tăng giá vé 15% - 20%, từ ngày 1-3, tùy theo tuyến. Hầu hết các DN xin tăng giá vé đều là DN vừa và nhỏ, ít chuyến. Nhiều hãng xe khác cũng đang có kế hoạch tăng giá cước trong tuần này.
Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun, cũng cho biết: để cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đã điều chỉnh giá cước taxi tăng 1.000 - 1.500 đồng/km. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, vài ngày qua hãng taxi Mai Linh cũng đã điều chỉnh giá cước tăng 1.000 - 1.500 đồng/km…
Một cán bộ của Sở Tài chính TPHCM cho biết: “Sở vẫn chưa nhận được một văn bản xin điều chỉnh giá cước từ phía Hiệp hội Taxi TP. Cho nên, việc các DN taxi tự ý tăng giá cước là vi phạm các quy định của pháp luật về việc điều chỉnh giá”.
Cùng ngày, luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết: “Sau khi giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh tăng, nhiều DN vận tải hàng hóa trong hiệp hội đã xin điều chỉnh giá cước vận tải lên mức 15% đối với các hợp đồng vừa ký kết sau thời điểm giá xăng, dầu điều chỉnh. Riêng đối với các hợp đồng vận chuyển dài hạn đã được ký kết trước thời điểm xăng, dầu tăng giá các DN sẽ thỏa thuận với đối tác để điều chỉnh lại giá cước vận chuyển”. |
(Theo Đ.Lý - B.Quyên/sggp online)