Người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung đều có tâm lý chuộng các loại thực phẩm nhãn mác “Made in USA”. Điều này dễ hiểu bởi các sản phẩm Mỹ thường tạo cho họ cảm giác hàng “xịn”, “yên tâm về chất lượng” dù giá cả có “cắt cổ” như thế nào so với mức thu nhập của người Việt Nam. Thế nhưng, có lẽ tâm lý đó cần xem xét lại bởi ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng đang phải cảnh giác với vấn đề an toàn thực phẩm của chính họ.
Con số 48 triệu người bị ngộ độc mỗi năm là hồi chuông báo động về mức độ an toàn thực phẩm ở Mỹ. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phải thốt lên rằng con số trên là “không thể chấp nhận được”.
Một loạt chiến dịch thu hồi các loại thực phẩm chế biến từ thịt bò, trứng, lạc,... hay một số loại thực phẩm chức năng có chứa nhiều thành phần nguy hiểm tới sức khỏe đã được tiến hành trên phạm vi cả nước. Đây là hiện tượng khá bất thường ở một quốc gia vốn được coi là đứng hàng đầu thế giới về mức độ nghiêm ngặt đối với chất lượng sản phẩm.
Các vụ ngộ độc thực phẩm đang khiến người tiêu dùng Mỹ mất dần lòng tin vào các sản phẩm mà họ đang tiêu thụ hàng ngày cũng như không còn tin tưởng vào hiệu quả của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của nước này. Họ sẽ phải thận trọng hơn khi quyết định mua loại thực phẩm nào bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Tất nhiên, người Mỹ không chấp nhận phải sống trong tâm trạng bất an như thế!
Điều mà họ cần ngay lúc này là một cuộc “đại phẫu” đối với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc và chính phủ Mỹ phải có biện pháp mạnh tay đối với các doanh nghiệp làm ăn dối trá. Có lẽ FDA cần được trao thêm quyền hạn trong việc kiểm tra chất lượng thực phẩm và cả quyền thu hồi sản phẩm khi phát hiện có vấn đề.
Một dự luật về kiểm soát hệ thống an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng đáng lo ngại trong thời gian qua có thể sớm được Quốc hội Mỹ thông qua, song bên cạnh các giải pháp mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, điều quan trọng hơn là “lương tâm nghề nghiệp”.
Các nhà sản xuất không thể chỉ vì mục đích kiếm lời mà coi nhẹ vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng. Chính “lương tâm” của các nhà sản xuất mới là giải pháp hữu hiệu nhất có thể phòng ngừa được tình trạng thực phẩm không an toàn. Bởi thế người xưa mới có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
(Theo tinsuckhoe.com)