Cuộc tọa đàm về quản lý chất lượng, giá sữa do Cổng thông tin Chính phủ diễn ra cuối tuần qua khẳng định, sau sáu năm giá sữa đã tăng tới… 30 lần!. Đây là một thực tế khiến người tiêu dùng đau đầu, trong khi giá sữa nguyên liệu tăng không đáng kể.
Không chỉ loạn giá, chất lượngsữa cũng làm người tiêu dùng lo lắng, nhất là việc thay đổi tên gọi của sữa bột cho trẻ dưới sáu tuổi. Ông Lê Hoàng (Phó phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho rằng: "Trước đây, sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột, tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định.
Vì vậy, người sản xuất đặt tên là sữa dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ em".
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng: "Mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm, xử phạt 400 tỉ đồng, trong đó có sữa và nhiều mặt hàng khác. Mặc dù vậy, so với kỳ vọng của người dân còn chưa cao. Có nhiều nguyên nhân, như thiếu nhân lực, trang thiết bị, ngoài ra, trong quá trình sản xuất kinh doanh, có những doanh nghiệp không từ phương thức, thủ đoạn nào để thu lợi bất chính; chính sách quản lý còn những bất cập. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và hợp tác tích cực với nhiều cơ quan chức năng, người dân để xử lý các vi phạm trong đó có liên quan đến mặt hàng sữa, như trong vụ sữa dê Danlait vừa qua".
Hiện tại, trên các diễn đàn hoặc các quầy tạp hóa đang chào bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn. Những nhãn sữa xách tay này đương nhiên không qua kiểm soát của phía Việt Nam. Nhìn nhận thực tế này, ông Lam giải thích: "Những loại sữa này không theo quy trình thủ tục nhập khẩu nên không được các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam kiểm tra về chất lượng. Và không loại trừ, trong đó có số lượng sữa nhập lậu, các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, hai là sữa quá hạn sử dụng được tẩy xóa để bán ra thị trường để kiếm lời.
Sở dĩ các mặt hàng này tồn tại trên thị trường là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này. Thứ hai là tâm lý sính ngoại".
Ông Lam cũng kỳ vọng, doanh nghiệp trong nước và các cơ quan chức năng phải định hướng cho người tiêu dùng. "Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy thì sữa lậu, sữa kém chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn", ông Lam nói.
Theo Người đưa tin