Một vụ thu giữ hàng giả |
Một số người tiêu dùng phản ánh trong một số siêu thị đã có những dấu hiệu cho thấy họ dùng chiêu bài “mua bán văn minh” để đánh lừa người tiêu dùng như: tivi đời cũ, quá hạn được thay catalogue mới, nâng giá lên rồi lại áp dụng “chiêu” khuyến mãi giảm giá để thu hút khách hàng.
Cũng theo những phản ánh này thì thủ đoạn của những kẻ làm hàng giả đang ngày càng tinh vi như: hàng giả đã “nội địa hoá” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào nước ta qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Thái Lan và Nhật Bản sản xuất. Người tiêu dùng nếu không cẩn thận sẽ mua phải nhiều sản phẩm giả hàng nước ngoài như: giày da các loại, mỹ phẩm, kính mắt, bánh kẹo…
Tại biên giới các tỉnh phía Bắc và các tỉnh biên giới Tây Nam, các loại mì chính đóng thành từng bao 25kg, 50kg từ Trung Quốc được nhập về Việt Nam. Loại mì chính bao 25kg của Trung Quốc với tỷ lệ nhập lậu vào Việt Nam lên đến 80%. Điều đáng bàn là, các chủ cửa hàng mua loại mì chính nhập lậu này về rồi đóng thành từng túi vài lạng đến nửa cân, in nhãn mác thương hiệu mì chính nổi tiếng ở Việt Nam như: Vedan, Ajinomoto, Miwon, A-One… bán với giá rẻ hơn tới 35%.
Tinh vi hơn nữa là thủ đoạn của một số chủ cửa hàng, chủ yếu là hàng mỹ phẩm, mở cửa hàng lấy tên thương hiệu nổi tiếng, sau đó lừa bán cả cửa hàng và hàng hoá cho người khác. Trong thời gian gần đây, trên thị trường nở rộ các cửa hàng mỹ phẩm sang trọng, với biển quảng cáo hàng chính hiệu của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như: Loreal, Lancome, Maybeline… giảm giá tới 45-52% và rất nhiều người đã mua phải hàng giả. Những người bán hàng vẫn giải thích với người mua đó là hàng của công ty được nhập từ Pháp về và đang có chương trình bán hàng tồn kho nên giảm giá lớn. Mỹ phẩm giả được tập trung về các chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân rồi phân phối đến một số cửa hàng ở phố Hàng Đường, Hàng Cá và một số siêu thị. Ông Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả - PC 15 cho biết, do tập quán của người tiêu dung, thích hàng giá rẻ nên công tác chống hàng giả vẫn còn khó khăn.
Hàng giả còn từ thành phố được các chủ cơ sở đưa về vùng nông thôn để tiêu thụ, do người dân ở đây ít thông tin về hàng hoá, hơn nữa hàng giả có giá rẻ nên người dân dễ chấp nhận. Lực lượng quản lý thị trường địa phương đang tăng cường tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, cơ sở in ấn bao bì nhãn mác để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một thực tế đang gây nhức nhối là việc người nông dân điêu đứng vì nạn phân bón giả, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và năng suất cây trồng, kết quả là nhiều loại cây đến vụ thu hoạch mà không ra hoa, đậu quả./.
( Theo VOV)